Vai trò của ASEAN trong giữ gìn hòa bình châu Á-TBD

ASEAN phải luôn thực hiện nguyên tắc nền tảng là tham vấn rộng rãi, xây dựng đồng thuận trong ASEAN, đặc biệt là mỗi nước thành viên trong ASEAN cần kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc qua với lợi ích của ASEAN và khu vực. Đây là nền móng vững chắc cho “ngôi nhà chung” của đại gia đình ASEAN đứng vững trước mọi sóng gió, thử thách của thời cuộc; là chìa khóa của sức mạnh và là thành công của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Đó cũng chính là một nguyên tắc quan trọng mà Việt Nam đã thực hiện và góp phần tạo nên thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2010...
Tại phiên khai mạc Hội nghị Shangri-La 12 vào tối ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu chính dẫn đề với chủ đề “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương.”

Bài phát biểu đã có phần nhấn mạnh đến một ASEAN đồng thuận, đoàn kết và với vai trò trung tâm trong nhiều cơ chế hợp tác đa phương vì hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vietnam+ xin trân trọng gửi đến quý độc giả bài phỏng vấn giáo sư Artha Nantachukra (Cố vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Giám đốc Viện nghiên cứu Phuphan, Thái Lan) về vai trò của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

- Giáo sư đánh giá vai trò của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực hiện nay như thế nào?

Giáo sư Artha Nantachukra: Trước bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, có vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của một quốc gia hay các mối quan hệ song phương, thì ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển ở khu vực.

ASEAN cần có sự đồng thuận trong quan điểm và hành động giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực và thế giới.

Trong thời gian qua, ASEAN đã xây dựng một số văn kiện và công cụ quan trọng được các nước trong và ngoài khu vực công nhận như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ có lợi ở khu vực.

Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong định hướng và xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực, phát huy các tổ chức hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác như ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Cấp cao Đông Á (EAS).

Đối với vấn đề Biển Đông, ngoài việc xây dựng thành công DOC, ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố về 6 nguyên tắc đối với vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, để vai trò của ASEAN được khẳng định mạnh mẽ hơn thì ASEAN phải nỗ lực hết sức và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Vấn đề Biển Đông là trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là điều kiện để ASEAN có thể phát huy vai trò trung tâm không thể thiếu đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.

- Nhìn lại Năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia 2012, nhiều người cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại một số nguyên tắc của ASEAN như nguyên tắc đồng thuận. Giáo sư nghĩ thế nào về điều này?

Giáo sư Artha Nantachukra: Trước hết cần khẳng định đoàn kết và phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN là những điều kiện tiên quyết cho việc định hình cấu trúc khu vực tại châu Á-Thái Bình Dương, qua đó góp phần quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Muốn vậy, ASEAN phải luôn thực hiện nguyên tắc nền tảng là tham vấn rộng rãi, xây dựng đồng thuận trong ASEAN, đặc biệt là mỗi nước thành viên trong ASEAN cần kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc qua với lợi ích của ASEAN và khu vực.

Đây là nền móng vững chắc cho “ngôi nhà chung” của đại gia đình ASEAN đứng vững trước mọi sóng gió, thử thách của thời cuộc; là chìa khóa của sức mạnh và là thành công của ASEAN trong nhiều thập kỷ qua. Đó cũng chính là một nguyên tắc quan trọng mà Việt Nam đã thực hiện và góp phần tạo nên thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2010.

Trong năm 2012 khi Campuchia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà nhằm phấn đấu thực hiện các mục tiêu chung của ASEAN.

Đối với các vấn đề còn khác biệt, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, các nước thành viên đã rất tích cực thúc đẩy trao đổi, tham vấn với nhau và đã đạt được đồng thuận chung, thể hiện qua tuyên bố 6 điểm của các nước ASEAN. Đây là những quan điểm lớn của ASEAN về vấn đề Biển Đông và cũng được Trung Quốc chia sẻ.

Trong quá trình hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN luôn phải xem xét các vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành và phương thức hoạt động của Hiệp hội. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, những nguyên tắc cơ bản tạo nên đoàn kết và sức mạnh của ASEAN sẽ tiếp tục được tuân thủ.

- Theo giáo sư, những căng thẳng gần đây ở Biển Đông liệu có là hành động thúc đẩy Việt Nam và ASEAN thúc đẩy sớm đàm phán về Bộ luật ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc?

Giáo sư Artha Nantachukra: Mục tiêu bao trùm của Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) cũng như những thành tố cơ bản của Bộ luật ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) là hết sức rõ ràng, đó là duy trì và thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm tăng cường hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế và thịnh vượng ở khu vực.

Từ góc độ đó, ASEAN, trong đó có Việt Nam và Thái Lan tất yếu mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ luật ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, nhằm duy trì môi trường hòa bình, tăng cường lòng tin và minh bạch, xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung, tránh để các xung đột và sự cố tác động đến an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực, tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc.

Tôi đánh giá cao việc Trung Quốc cũng chia sẻ nhận thức chung của các nước ASEAN về việc cần thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới COC.

-  Xin giáo sư cho biết các nước lớn trong và ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Australia, EU… có thể hợp tác với ASEAN và Trung Quốc như thế nào để góp phần quản lý và giải quyết các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên Biển Đông?

Giáo sư Artha Nantachukra: Vấn đề an ninh biển, tự do, an toàn và an ninh hàng hải ngày càng trở thành quan tâm và lợi ích chung của tất cả quốc gia trong và ngoài khu vực. Biển Đông là tuyến đường hàng hải nhộn nhịp thứ hai trên thế giới với khoảng 150-200 tàu trọng tải lớn qua lại mỗi ngày chuyên chở khoảng 50% hàng hóa của thế giới.

Khi xung đột nổ ra trên Biển Đông sẽ không nước nào thắng cuộc và tất cả khu vực sẽ cùng thua thiệt. Do vậy các nước lớn trong và ngoài khu vực như bạn đã nêu đều có lợi ích về việc cùng gìn giữ hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải qua khu vực Biển Đông.

Như tôi đã nói ở trên, việc tăng cường trách nhiệm của các nước ASEAN và tăng cường xây dựng lòng tin và các biện pháp hợp tác nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải nói chung và ở Biển Đông nói riêng trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển 1992 và các quy tắc ứng xử chung ở khu vực là yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục