Vai trò của APEC trong tự do hóa hệ thống thương mại thế giới

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á​-Thái Bình Dương (APEC) sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo một hệ thống thương mại thế giới cởi mở và tự do.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Long Bình Tân, Đồng Nai. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á​-Thái Bình Dương (APEC) sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đảm bảo một hệ thống thương mại thế giới cởi mở và tự do, trong bối cảnh thương mại thế giới đang đứng trước những thách thức do sự trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu.

Đây là nhận định được nhà kinh tế Jayant Menon của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 chuẩn bị diễn ra ở Việt Nam.

Trao đổi với báo giới, ông Menon cho rằng APEC đã trở thành một chuẩn mực để các nền kinh tế thành viên theo đuổi "chủ nghĩa khu vực mở" - nguyên tắc bất biến của APEC kể từ khi ra đời vào năm 1989, theo đó vừa đặt mục tiêu thúc đẩy tự do hóa kinh tế nội khối, song vẫn chú trọng duy trì thị trường mở cửa đối với bên ngoài.

Trong thời điểm xu thế chống lại toàn cầu hóa đang có chiều hướng gia tăng, cùng với những áp lực từ chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới, các thể chế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và APEC lại càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì sự cởi mở và tự do của hệ thống thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nguy cơ "chết yểu" sau sự rút lui của Mỹ, ông Menon nhận định mọi sự chú ý đã đổ dồn sang tương lai của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại quy mô lớn mà 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác đối thoại kỳ vọng sẽ đạt được trong một vài năm tới.

Theo chuyên gia này, với mục tiêu tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, RCEP hướng đến việc cân đối các quy tắc và luật lệ trong khu vực, qua đó sẽ giúp cắt giảm đáng kể chi phí kinh doanh trong khu vực.

Một khi RCEP được thành lập, bước tiếp theo là sẽ mở rộng hiệp định này hướng đến sự hội nhập lớn hơn kinh tế khu vực thông qua Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) vốn bao gồm 21 nền kinh tế thành viên APEC.

[APEC: Phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau]

Ông Menon nhấn mạnh cho tới nay, RCEP là đề xuất duy nhất có sự tham gia của cả Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Menon cũng cảnh báo hàng rào phi thuế quan có thể gây trở ngại đối với những nỗ lực hội nhập của các nền kinh tế. Mặc dù các loại thuế đánh vào hàng hóa xuất, nhập khẩu trong khu vực đã giảm mạnh, song nhiều loại hàng rào phi thuế quan khác nhau cũng đồng thời tăng theo.

Theo ông Menon, các hàng rào phi thuế quan thậm chí có thể còn khắt khe hơn so với hàng rào thuế quan, và rất khó để giải quyết bởi những quy định này thường rất mơ hồ. Do đó, việc từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan là cần thiết để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế.

Từ ngày 5-11/11 tới, Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ nhà đăng cai Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.”

Từ 12 thành viên ngày đầu thành lập (tháng 11/1989), trải qua gần 30 năm phát triển, đến nay, APEC đã quy tụ được 21 nền kinh tế, trong đó có 9 thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và nhiều nền kinh tế phát triển năng động, đại diện cho 2,8 tỷ dân (tương đương 39% dân số thế giới), đóng góp 43.000 tỷ USD (57%) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20.000 tỷ USD (49%) thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, nơi hội tụ các công nghệ mới và lực lượng lao động có tay nghề, APEC được thừa nhận là cơ chế dẫn dắt tiến trình tự do hóa thương mại, đầu tư, thúc đẩy xu thế hợp tác toàn cầu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục