Vai trò của AfCFTA đối với sự ổn định của khu vực Sừng châu Phi

Tổng thống Niger, Mahamadou Issoufou, ca ngợi AfCFTA là “sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của châu Phi kể từ khi thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) năm 1963.”
Tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Port Elizabeth của Nam Phi. Nằm ở phía cực Nam của châu Phi, Port Elizabeth được đánh giá là một trong những cảng bận rộn nhất của Lục địa Đen. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 16/7 có bài phân tích về vai trò của Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) trong thiết lập, duy trì hòa bình và thương mại, góp phần gây dựng ổn định ở khu vực Sừng châu Phi. Nội dung như sau:

Việc ra mắt AfCFTA cũng như thống nhất khởi động tiến trình thực hiện hiệp định thương mại lớn này vào ngày 7/7 vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger, đã tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới gồm 1,2 tỷ người với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.400 tỷ USD.

Tổng thống Niger, Mahamadou Issoufou, ca ngợi AfCFTA là “sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của châu Phi kể từ khi thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) năm 1963.”

54 trong số 55 quốc gia thành viên AU đã ký kết và 26 nước đã phê chuẩn AfCFTA, tạo ra thị trường chung duy nhất toàn lục địa cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy hội nhập khu vực và lục địa, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh.

Nếu được thực hiện đầy đủ, hiệp định sẽ mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà còn có thể đóng góp cho hòa bình và an ninh ở châu Phi thông qua gắn kết các nền kinh tế của châu lục. Cơ chế giải quyết tranh chấp của AfCFTA có thể giúp ban hành các nghị quyết hòa giải tranh chấp thương mại giữa các nước châu Phi.

Tuy nhiên, việc thực hiện AfCFTA sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề hòa bình và an ninh. Điều này được phản ánh rõ nhất ở khu vực Sừng châu Phi.

Ngoại trừ Eritrea, tất cả các nước ở khu vực Sừng châu Phi đã ký AfCFTA. Những thách thức địa chính trị lớn của khu vực Sừng châu Phi gồm mức độ siết chặt an ninh biên giới, bất ổn chính trị, dòng tài chính và thương mại bất hợp pháp xuyên biên giới, cũng như nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng kém phát triển.

Tình trạng bất ổn ở các nước sẽ là thách thức lớn nhất cho thương mại khu vực. Somalia và Nam Sudan đã và đang trải qua các cuộc nội chiến kéo dài, trong khi Sudan và Ethiopia đang diễn ra cải cách chính trị, gây bất ổn tình hình thời gian qua.

Việc siết chặt an ninh biên giới ở khu vực Sừng châu Phi sẽ tạo ra những trở ngại cho việc tự do di chuyển hàng hóa và con người theo lộ trình của AfCFTA.

Biên giới giữa Ethiopia và Eritrea - vừa được mở cửa trở lại vào tháng 7/2018 sau khi hai nước nối lại quan hệ - đã phải tiếp tục đóng cửa, cùng với sự hiện diện quân sự ở cả hai bên biên giới.

Từ tháng 1/2018, Sudan đã triển khai quân đội dọc biên giới Eritrea-Sudan.

Ngày 2/7 vừa qua, trong cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan, Trung tướng Mohammed Hamdan Dagalo, và Tổng thống Eritrea, ông Isaias Afwerki, hai bên cho biết sẽ mở cửa trở lại biên giới nhưng thương mại vẫn chưa được chính thức nối lại.

Từ năm 2008, biên giới Eritrea-Djibouti cũng bị đóng cửa do tranh chấp biên giới giữa 2 nước.

Mặc dù trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng vào tháng 9/2018, các nhà lãnh đạo hai nước cam kết sẽ nối lại quan hệ song phương, nhưng thương mại giữa hai bên chưa hề có dấu hiệu thông thương.

An ninh dọc biên giới Ethiopia-Somalia vẫn được siết chặt do nguy cơ tấn công của al-Shabaab.

Sudan và Nam Sudan cũng đang có tranh chấp lãnh thổ tại khu vực biên giới giàu dầu mỏ, đặc biệt là ở Abiye.

Thách thức khác đối với AfCFTA là mức độ buôn bán bất hợp pháp tại khu vực Sừng châu Phi do đường biên giới chưa rõ ràng và thiếu sự phối hợp trong đảm bảo an ninh biên giới.

Dọc biên giới Ethiopia-Kenya, Ethiopia-Djibouti và Ethiopia-Somalia vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp gia súc xuyên biên giới và buôn bán bất hợp pháp gia súc gia cầm.

Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao khác như vàng, cây khát, than và đường cũng bị buôn bán bất hợp pháp dọc theo các biên giới này. Doanh thu từ giao dịch bất hợp pháp được sử dụng để tài trợ cho các nhóm vũ trang. Buôn bán vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ vẫn phổ biến dọc biên giới Ethiopia-Sudan.

Buôn bán hàng lậu quy mô lớn tác động xấu đối tới thương mại hợp pháp xuyên biên giới, đặc biệt là bảo đảm an ninh đối với các thương nhân quy mô nhỏ và trung bình.

Những thách thức khác trong khu vực bao gồm các dòng tài chính bất hợp pháp, rửa tiền, đầu cơ tiền mặt, tiền giả và thị trường chợ đen ngoại hối.

Các hoạt động này có liên quan đến buôn bán người và buôn lậu hàng hóa, tài trợ cho các nhóm nổi dậy và tham nhũng lớn. Nhằm đối phó với những thách thức này, năm 2015, Eritrea đột ngột thay đổi đồng tiền; trong khi năm 2018, Ethiopia ban hành các quy định nghiêm ngặt về ngoại tệ và tịch thu ngoại tệ tiêu thụ bất hợp pháp.

Nhận thức được những thách thức này, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 7/7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat đánh giá rằng sẽ là “ảo tưởng khi đề cập đến thương mại và phát triển mà không có hòa bình và an ninh.”

Phát biểu trên đã phản ánh sự thật, nhưng chỉ là một nửa của "phương trình" thương mại - hòa bình. Mối quan hệ “gà và trứng” giữa hòa bình - thương mại có nghĩa là hòa bình đóng vai trò tối quan trọng để thúc đẩy thương mại, đồng thời thương mại là yếu tố không thể thiếu để thiết lập và duy trì hòa bình.

Thông qua các bước triển khai AfCFTA, các quốc gia ở khu vực Sừng châu Phi có thể tạo ra các điều kiện cho phép các nước láng giềng cùng tồn tại một cách hòa bình.

Ví dụ điển hình là mối quan hệ giữa Ethiopia và Djibouti. Cả hai nước này đã đầu tư hơn 15 tỷ USD nhằm kết nối đường bộ và đường sắt hai bên.

Ethiopia sử dụng các cảng Djibouti cho 95% giao dịch ngoại thương và đã đầu tư rất nhiều vào các cảng của quốc gia láng giềng. Thương mại giữa Djibouti và Ethiopia chiếm hơn 80% GDP của Djibouti, bao gồm cả nhập khẩu điện và nước từ Ethiopia.

Sự phụ thuộc lẫn nhau này sẽ buộc 2 nước phải giải quyết một cách thân thiện những tranh chấp phát sinh trong quan hệ đối ngoại hoặc thương mại song phương.

Hai nước này chưa bao giờ tham gia vào các mối quan hệ không lợi ích và các cuộc chiến ủy nhiệm thông qua hỗ trợ các nhóm vũ trang đối lập để gây bất ổn cho nhau.

Các cuộc chiến ủy nhiệm - đôi khi đã xuất hiện trong các mối quan hệ song phương tại khu vực Sừng châu Phi, như giữa Eritrea và Ethiopia - là nguồn bất ổn lớn trong khu vực.

Djibouti và Ethiopia cũng đầu tư rất nhiều vào việc đảm bảo các tuyến đường thương mại và cơ sở hạ tầng, hợp lý hóa các thủ tục hải quan, khung pháp lý và quy định, cũng như thiết lập một đồn biên phòng duy nhất.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) ở Niamey, Niger. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khu vực Sừng châu Phi có tiềm năng triển khai hiệu quả AfCFTA với lợi ích quan trọng đối với hòa bình và an ninh.

Khi AfCFTA có hiệu lực, tranh chấp thương mại giữa các quốc gia Sừng châu Phi sẽ được giải quyết thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp.

Những người chịu trách nhiệm ban hành, thực thi, giám sát cơ chế này cần nhận thức được những thách thức trên, cũng như bối cảnh an ninh và hòa bình của khu vực.

Điều này đặc biệt quan trọng, xét trong bối cảnh một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất của khu vực Sừng châu Phi giữa Eritrea và Ethiopia trong quá khứ bắt nguồn từ quan hệ thương mại giữa hai nước láng giềng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục