Vai trò chủ tịch luân phiên EU của Pháp: Cờ đến tay Tổng thống Macron

Do sự thay đổi người đứng đầu chính phủ Đức trùng với nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cơ hội để tạo ra ảnh hưởng trong liên minh Pháp-Đức.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Pháp sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng.

Bình luận về sự kiện này, tờ ABC - nhật báo hàng đầu của Tây Ban Nha - số ra gần đây cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tranh thủ tận dụng khoảng trống mà Thủ tướng Đức Angela Merkel để lại, trong lúc người kế nhiệm Olaf Scholz cần thời gian để tạo dựng hình ảnh của mình.

Theo báo này, do sự thay đổi người đứng đầu chính phủ Đức trùng với nhiệm kỳ chủ tịch EU của Pháp, ông Macron sẽ có cơ hội để tạo ra ảnh hưởng trong liên minh Pháp-Đức, mà trên thực tế sẽ vẫn là trung tâm của chính trị châu Âu.

Tại Brussels, từ vài tháng nay, không có cuộc thảo luận lớn nào diễn ra vì EU phải đợi Đức - quốc gia lớn nhất và quyền lực nhất trong liên minh - sắp xếp lại cục diện chính trị trong nước.

Trong lúc chờ Đức trở lại vai trò chủ đạo của mình, Pháp sẽ chịu trách nhiệm điều hành các cuộc thảo luận lớn của EU. Điều quan trọng nhất sẽ là làm thế nào để hướng các nước thành viên trở lại với sự bền vững về tài khóa được quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, vốn đã bị đình trệ thời gian qua do hậu quả thảm khốc của đại dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới.

Để tăng cường nguồn lực và vực dậy nền kinh tế khu vực, Pháp đã tranh thủ thời gian chuyển giao quyền lực ở Đức để ký kết một hiệp ước hợp tác với Italy, do cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi điều hành.

Giống như Macron, Draghi thích sự linh hoạt và nới lỏng các ràng buộc ngân sách, đặc biệt là đối với các nước phía Nam của EU. Khi Macron và Scholz gặp nhau lần đầu tiên, Tổng thống Pháp có thể nói với người đồng cấp Đức rằng ông đã nhận được sự hỗ trợ của một trong những quốc gia sáng lập hàng đầu và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế khu vực.

Cho đến nay, Pháp là quốc gia có liên kết chặt chẽ nhất với Đức trong EU, đến mức sự đồng thuận giữa Paris và Berlin được coi là cần thiết cho hoạt động của châu Âu.

[Quân bài của ông Macron trước bầu cử tổng thống Pháp năm 2022]

Tuy không phải lúc nào mối quan hệ này cũng êm ấm, và Đức thường phụ thuộc vào các nước hàng xóm ở phía Bắc và phía Đông, trong khi Pháp hay tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia láng giềng phía Nam, nhưng trục liên kết Pháp-Đức luôn duy trì sự cân bằng trong EU, đặc biệt là khi Anh không còn trong EU để thành lập một liên minh khác. Đây mới là điều quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của EU.

Mặc dù vậy, hiện giữa hai nước vẫn còn tồn tại một trong những vấn đề đau đầu, có thể ngáng trở mối quan hệ gắn kết này, đó là điện hạt nhân. Pháp phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hạt nhân, trong khi Đức đã quyết định thoát khỏi lĩnh vực này và đưa Đảng Xanh vào liên minh cầm quyền của mình.

Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng Đức đã tạo ra mô hình "hỗn hợp năng lượng" bằng cách dựa vào một đường ống dẫn khí gây tranh cãi đến từ Nga, vốn không được phê duyệt, bởi Nga từ chối tôn trọng các quy tắc của thị trường châu Âu và phân biệt giữa sản xuất và tiếp thị.

Do đó, rất có thể những điểm yếu này sẽ tạo cơ hội cho Pháp và Đức tìm thấy điểm thỏa hiệp chung.

Bàn đạp cho Macron trong chiến dịch tranh cử tổng thống

Chiến lược khẳng định mình của Emmanuel Macron còn có một điểm yếu, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4/2022, bởi kết quả của cuộc bầu cử này vẫn chưa chắc chắn. Đây là lần đầu tiên thời hạn bầu cử quốc gia Pháp nằm chính giữa một nhiệm kỳ chủ tịch EU.

Thông thường, bầu cử là sự kiện chính trị không thể lường trước được, do vậy ngay từ đầu, thời gian đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của EU sẽ phải xem xét sắp xếp lại để tránh bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Macron vẫn muốn giữ nguyên nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Pháp và khi bị chỉ trích vì điều này, ông đã đổ lỗi cho người Anh do làm gián đoạn lịch trình khi rời EU.

Do vậy, việc Pháp bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch EU vào tháng 1/2022 sẽ trùng với thời điểm khởi động chiến dịch tranh cử của Macron. Tổng thống Pháp sẽ làm mọi cách để chứng minh những khía cạnh tích cực trong chương trình hành động của mình, tạo sự khác biệt với các ứng cử viên khác bằng việc chứng tỏ rằng ông là người duy nhất có khả năng lãnh đạo cả nước Pháp và điều phối EU.

Không sớm thì muộn, Olaf Scholz cũng sẽ có được vị trí phù hợp với tầm vóc và vị thế của Đức, nhưng từ nay đến lúc đó, Macron sẽ có thời gian để nhắm đến mục tiêu củng cố vị thế của mình tại Pháp, trong trục Pháp-Đức và cả trong EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục