Vai trò các bên trong tham vấn thủy điện lưu vực sông Mekong

Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường chia sẻ các kết quả của hợp tác Mekong cũng như thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong quy hoạch thủy điện, bảo vệ nguồn nước hạ lưu sông Mekong.
Vai trò các bên trong tham vấn thủy điện lưu vực sông Mekong ảnh 1(Ảnh minh họa: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 11/9, tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Vai trò các bên liên quan ở Việt Nam trong quá trình tham vấn thủy điện lưu vực sông Mekong và ở Việt Nam.”

Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường chia sẻ các kết quả của hợp tác Mekong cũng như thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong quy hoạch thủy điện, bảo vệ nguồn nước hạ lưu sông Mekong và các sông suối ở Việt Nam.

Hội thảo gồm hai phiên: Phát triển thủy điện Mekong và vai trò các bên liên quan trong quá trình tham vấn; nghiên cứu của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam về những bài học trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ ở tỉnh Lào Cai của Việt Nam.

Các tham luận nhấn mạnh đến diễn biến cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây và những tác động đến phát triển kinh tế -xã hội; tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ ở huyện Sa Pa, Lào Cai và những tác động đến môi trường, du lịch của huyện...

[Sáng kiến hạ nguồn Mekong: Một thập kỷ tăng cường nguồn nhân lực]

Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam Đào Trong Tứ cho biết hội thảo nhằm nâng cao vai trò quan trọng của các bên liên quan, đặc biệt của các tổ chức xã hội, cộng đồng ở Việt Nam tham gia vào quá trình tham vấn phát triển thủy điện lưu vực sông Mekong; bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước tác động của các công trình thủy điện từ thượng nguồn.

Đề cập về hiện trạng và kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong và những tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long, ông Kỷ Quang Vinh, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Cần Thơ cho rằng thủy điện ở thượng nguồn và nước biển dâng đảo ngược quá trình hình thành Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến mực nước sông Cửu Long biến đổi bất thường; ngăn cản phù sa đến Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán và xâm nhập mặn tăng; giảm lượng cá ngay trong mùa nước nổi. Chế độ nước cực đoan liên tục xuất hiện.

Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm. Năm 2020 khả năng hạn hán rất cao nếu không có mưa trái mùa, ảnh hưởng sinh kế dân cư và sức khỏe cộng đồng…

Các đại biểu đến từ Cần Thơ, Trà Vinh… cùng các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhóm cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tham gia thảo luận những tác động của việc  phát triển thủy điện thượng nguồn và các vấn đề ô nhiễm Đồng bằng sông Cửu Long; trao đổi kinh nghiệm tăng cường vai trò các bên liên quan về tham vấn phát triển thủy điện sông Mekong và ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục