Vải thiều xuất khẩu sang Nhật: Mở đường cho các loại trái cây khác?

Việc quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản là một tín hiệu tốt đẹp, cho thấy các sản phẩm hoa quả của Việt Nam đã có thể chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Vườn vải U hồng của gia đình ông Lê Hồng Hải ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chuẩn bị cho thu hoạch (ảnh tư liệu). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
Vườn vải U hồng của gia đình ông Lê Hồng Hải ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chuẩn bị cho thu hoạch (ảnh tư liệu). (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Hiện nay ngành sản xuất rau quả Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn bởi những quy định ngặt nghèo của nước sở tại về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói..., nhất là công nghệ bảo quản.

Bởi vậy, việc Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản là một tín hiệu tốt đẹp, cho thấy các sản phẩm hoa quả của Việt Nam đã có thể chinh phục những thị trường khó tính.

Hải Dương, Bắc Giang chủ động đón bắt cơ hội

Trước thông tin Nhật Bản mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, những ngày qua, người trồng vải ở Hải Dương rất vui mừng, phấn khởi.

Ngành nông nghiệp Hải Dương mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm có hướng dẫn để các địa phương chủ động đón bắt cơ hội này, nâng giá trị quả vải thiều, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, là vùng đất được mệnh danh thủ phủ của quả vải thiều Hải Dương hiện có khoảng 4.000ha vải. Niên vụ 2019, sản lượng vải của Thanh Hà đạt 17.800 tấn. Hiện nay, huyện có 90ha vải thuộc 4 xã được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Australia và châu Âu.

Xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà có 342ha vải; trong đó, 85ha vải sớm. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, năng suất vải trung bình đạt khoảng 11 tấn/ha, cho lợi nhuận 150-160 triệu/ha.

Cây vải được xác định là cây ăn quả chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã. Đại diện lãnh đạo địa phương cho biết, khi có thông tin Nhật Bản cho phép nhập khẩu vải thiều Việt Nam, Ủy ban Nhân dân xã đã chỉ đạo hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã thông báo cho các hộ sản xuất vải phải đảm bảo tiến trình chăm sóc theo chuẩn VietGAP.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư huyện ủy Thanh Hà, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất đảm bảo vải sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP để đáp ứng được yêu cầu các thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, tại Bắc Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Dương Văn Thái cho biết ngay sau khi Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam, Bắc Giang đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương rà soát các yêu cầu, điều kiện, hướng dẫn sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.

Tỉnh cũng chuẩn bị các phương án liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để chủ động tiếp cận thị trường, sẵn sàng cho việc xuất khẩu ngay từ vụ vải 2020.

Ông Dương Văn Thái cho biết tỉnh sẽ làm tốt khâu sản xuất quả vải đạt tiêu chuẩn và đóng gói bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc... theo yêu cầu của Nhật Bản. Tỉnh đã sẵn sàng các giải pháp căn cơ để vụ vải tới đưa được quả vải sang thị trường Nhật Bản.

Ông Dương Văn Thái mong muốn Bộ tiếp tục nghiên cứu, đàm phản mở rộng thị truờng tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tổ chức sản xuất đảm bảo các quy định để đủ điều kiện xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản.

Tỉnh mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ khâu kết nối với các doanh nghiệp có điều kiện đưa quả vải thiều vào phân phối tại thị trường Nhật Bản, trước mắt mời giúp hệ thống siêu thị AEON làm việc, ký kết với tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản vào năm 2020.

Vải thiều xuất khẩu sang Nhật: Mở đường cho các loại trái cây khác? ảnh 1Xoài cát chu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Những loại trái cây đã chinh phục được những thị trường khó tính

Đến thời điểm này, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường rất khó tính.

Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.

Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ năm 2008. Sau đó, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa cũng đã có mặt tại thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua.

Tại thị trường Nhật Bản, từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng đã chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản - thị trường khó tính bậc nhất thế giới, và ngay sau đó là thanh long đỏ.

Từ năm 2014, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật Bản và tiếp tục duy trì đến nay.

Đến cuối năm 2015, lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản, sau 5 năm chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận.

Ngày 17/4/2015, sau hơn 12 năm đàm phán, Australia đã cấp giấp phép nhập trái vải của Việt Nam.

Tiếp theo, tháng 8/2016, Australia cấp phép nhập xoài Việt Nam và ngày 24/8/2017, cấp phép nhập trái thanh long sau 7 năm đàm phán.

Tại thị trường New Zealand, cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Trước đó, chưa có nước nào được xuất khẩu trái chôm chôm vào quốc gia này.

Đến giữa tháng 2/2019, sau hơn 10 năm đàm phán, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam chính thức được cấp phép vào thị trường khắt khe này, đưa Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của trái xoài Việt Nam.

Vào tháng 8/2019, sau khi vượt qua quy chuẩn kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt từ phía đối tác, quả nhãn tươi của Việt Nam chính thức được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cho phép xuất khẩu vào thị trường nước này.

Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy Chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục