Vải thiều VietGAP ở Bắc Giang giá cao vẫn "hút khách"

Vải thiều VietGAP được thu mua với giá dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, trong khi giá vải thiều sản xuất thường chỉ ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg.
Vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP được giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với những ưu thế nổi bật như mẫu mã đẹp, thơm, ngọt, chất lượng cao nên vải thiều sản xuất theo Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ở Bắc Giang rất được thị trường ưa chuộng và luôn bán được giá cao hơn gấp 2 đến 3 lần so với vải sản xuất thường.

Vào thời điểm này tại huyện Lục Ngạn, thương lái ở khắp mọi nơi đang "kéo về" để thu mua.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, đến nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã có gần 250 đại lý thu mua vải thiều nằm chủ yếu ở trung tâm các xã vùng thấp và khu vực thị trấn Chũ.

Trung bình mỗi ngày, người dân Lục Ngạn thu hoạch và tiêu thụ khoảng 2.850 tấn vải thiều.

Đáng chú ý, vải thiều chất lượng cao sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được khách hàng ưa chuộng nên tiêu thụ rất thuận lợi.

Vải thiều VietGAP được thu mua với giá dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá vải thiều sản xuất thường chỉ ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg.

Anh Giáp Văn Liên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, cho biết nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất vải thiều VietGAP, nên gia đình anh không phải lo lắng về khâu tiêu thụ. Mùa vụ năm nay gia đình anh đã thu hoạch được 5 tấn vải VietGAP giá bán bình quân 30.000 đồng/kg.

Theo anh Liên, việc tiêu thụ vải VietGAP hiện không còn hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái vì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn của người dân tăng mạnh. Hằng ngày, anh nhận được không ít đơn hàng trực tiếp từ người tiêu dùng trong cả nước, đặc biệt là những người đồng hương Bắc Giang.

Cũng giống như anh Liên, gia đình chị Đào Thị Thoa, thôn Kép 1, xã Hồng Giang, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP nên vải của gia đình nhà chị bán rất được giá.

Chị Thoa cho biết: "Sản xuất vải theo quy trình VietGAP phải tỉ mỉ, cẩn thận ở tất cả công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch. Tất cả công đoạn đều có tài liệu hướng dẫn, lúc đầu mới bỡ ngỡ nhưng làm lâu rồi quen dần.”

Không chỉ có gia đình anh Liên, chị Thoa, hầu hết các hộ ở xã Hồng Giang đều chú trọng trồng và chăm sóc vải VietGAP. Đến nay, toàn xã có gần 500/700ha vải thiều VietGAP, thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Tặng, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Giang, cho biết với tổng diện tích trên 32.000ha, Bắc Giang là địa phương có diện tích trồng vải thiều lớn nhất cả nước, tuy nhiên diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mới chỉ đạt 13.000ha tập trung ở Lục Ngạn, Tân Yên.

Trên thực tế, việc đẩy mạnh sản xuất vải thiều sạch, an toàn không chỉ giảm chi phí, nhờ sử dụng lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoa học, nâng cao giá trị quả vải mà còn bảo vệ sự an toàn cho người sử dụng và cả chính người sản xuất; chất lượng quả vải thiều Bắc Giang cũng được nâng cao, quả vải to đều, chín đỏ đẹp, ăn thơm ngon và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo ông Đặng Văn Tặng, để phát triển bền vững cây vải thiều thì đây là một trong những hướng đi tất yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục