Vắcxin Sputnik V của Nga mang lại doanh thu lớn gấp đôi bán vũ khí?

Hiện có hơn 50 quốc gia muốn sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga cho 1,2 tỷ người - trị giá khoảng 24 tỷ USD, gấp đôi số tiền Nga bán vũ khí cho các nước.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin Sputnik V phòng COVID-19 cho người dân tại Nur-Sultan, Kazakhstan, ngày 1/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Độc lập (Nga), tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2021, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết trong vòng hai tuần, vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga dự kiến sẽ tiếp tục được đăng ký tại 25 quốc gia nữa sau khi đã được đăng ký ở 14 quốc gia.

Hiện, có hơn 50 quốc gia muốn sử dụng vắcxin của Nga cho 1,2 tỷ người.

Nếu tính đến giá thành RDIF công bố cho các thị trường quốc tế, số lượng vắcxin này trị giá vào khoảng 24 tỷ USD, một con số ấn tượng, gấp đôi số tiền Nga bán vũ khí cho các nước.

Tuy nhiên, liệu Nga có thể nhận được bao nhiêu trong tổng số tiền đó vẫn còn là câu hỏi ngỏ vì các điều khoản của hợp đồng không được tiết lộ.

Theo ông Dmitriev, RDIF đàm phán riêng với từng quốc gia và thiết lập được một số lượng lớn các quan hệ đối tác quốc tế để sản xuất vắcxin.

Các tài liệu của RDIF cho thấy quỹ này “đã nhận được đơn đăng ký mua hơn 1,2 tỷ liều vắcxin Sputnik V từ hơn 50 quốc gia.”

Trong khi đó, để tiêm chủng cho 1,2 tỷ người, mỗi người 2 liều theo quy định sẽ cần đến 2,4 tỷ liều.

Cụ thể, tại các thời điểm khác nhau, RDIF đã thông báo về các thỏa thuận cung cấp 5,2 triệu liều vắcxin Sputnik V cho Bolivia (để tiêm cho 2,6 triệu người, tương đương 20% dân số), 2 triệu liều cho Serbia (để tiêm cho 1 triệu người), 25 triệu liều cho Ai Cập (tức 50 triệu mũi tiêm, để tiêm cho 25% dân số), 25 triệu liều cho Nepal (50 triệu mũi tiêm, sử dụng cho 90% dân số), 32 triệu liều cho Mexico (64 triệu mũi tiêm cho 25% dân số).

Trong danh sách này còn có Brazil (50 triệu liều), Ấn Độ (100 triệu liều), Uzbekistan (35 triệu liều).

Ngoài ra, còn có tin về việc cung cấp 10 triệu liều vắcxin cho Argentina. Theo văn phòng báo chí của RDIF, trong tất cả các trường hợp, số liều tiêm là gấp đôi.

RDIF cũng thông báo về việc bắt đầu sản xuất ít nhất 2 triệu liều vắcxin Sputnik V tại Kazakhstan, trong khi có thông tin về một thỏa thuận với Hàn Quốc “để sản xuất hơn 150 triệu liều ở nước này.”

Vắcxin Sputnik V của Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các thông cáo báo chí, trong khuôn khổ hợp tác, việc chuyển giao công nghệ đang được xúc tiến để sản xuất vắcxin, ví dụ như việc cung cấp tài liệu, vật liệu sinh học, dược chất.

Thông báo của văn phòng báo chí RDIF ngày 26/1 cho biết: “Phần lớn vắcxin sẽ không do Nga xuất khẩu. Nguồn cung quốc tế sẽ do các nhà sản xuất quốc tế ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước khác cung cấp.”

[Vắcxin Sputnik V của Nga hiệu quả 91,6% thử nghiệm giai đoạn cuối]

Ngoài ra, theo RDIF, “các thỏa thuận hiện có giữa RDIF và các đối tác quốc tế sẽ giúp sản xuất 500 triệu liều vắcxin Sputnik V bên ngoài nước Nga mỗi năm,” mặc dù trước đó một tuần Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov đã đưa ra ước tính khác rằng “dự kiến các cơ sở sản xuất ở nước ngoài sẽ cung cấp cho các nước tổng khối lượng khoảng 350 triệu liều mỗi năm.”

Trong khi đó, RDIF cho biết giá Sputnik V trên thị trường quốc tế từ tháng 2/2021 sẽ là “dưới 20 USD cho hai liều cần thiết để tiêm chủng cho một người,” nghĩa là dưới 10 USD cho mỗi liều tiêm.

Như vậy, có thể giả định rằng nếu Nga triển khai việc cung cấp vắcxin ở các quốc gia khác với ít nhất 350 triệu liều (700 triệu mũi tiêm) và tối đa là 1,2 tỷ liều (2,4 tỷ mũi tiêm), thì giá trị toàn bộ vắcxin này vào khoảng từ 7 tỷ đến 24 tỷ USD - một con số rất ấn tượng.

Để so sánh, theo Tổng cục Hải quan Liên bang Nga, từ tháng 1-11/2020, xuất khẩu lúa mì của nước này đã vượt mức 7 tỷ USD.

Trong khi đó, theo số liệu trích dẫn tại cuộc họp giữa Thủ tướng Mikhail Mishustin với người đứng đầu tập đoàn Rostec của Nga Sergey Chemezov, lượng vũ khí Nga bán cho các nước năm 2020 là khoảng 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố quan trọng, như ông Dmitriev đã làm rõ khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC rằng “có thể có một số chậm trễ trong việc sản xuất vắcxin, bởi chúng tôi đang tăng năng lực sản xuất.”

Chuyên gia phân tích Evgeny Mironyuk của Freedom Finance bình luận: “Lợi nhuận ròng từ việc bán vắcxin sẽ bị hạn chế bởi chi phí hậu cần đáng kể, nhu cầu mở rộng năng lực sản xuất và tính chất nhân đạo của nguồn cung, vốn không cho phép đặt biên độ lãi cao. Ngoài ra, việc tiêm chủng quy mô lớn có thể làm chậm hoặc đình chỉ kết quả giám sát vắcxin ở các nước khác.”

Bên cạnh đó, như các chuyên gia giải thích, không thể chắc chắn 100% rằng nhu cầu lớn về vắcxin sẽ được duy trì hàng năm.

Đây là vấn đề gây tranh cãi. Phó giáo sư Olga Lebedinskaya tại Đại học Kinh tế Plekhanov nhận xét: “Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc trao đổi nào cho thấy nhu cầu về vắcxin sẽ liên tục.”

Và quan trọng nhất là RDIF không tiết lộ các điều khoản hợp đồng với các nhà sản xuất nước ngoài về việc cung cấp vắcxin. Do đó, vẫn chưa rõ Nga sẽ thực sự nhận được bao nhiêu trong số tiền hàng tỷ USD theo giả thuyết này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục