Ngày 7/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sau hơn 5 năm thí điểm tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả vắcxin sốt xuất huyết ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca sốt xuất huyết nhập viện và 93% ca sốt xuất huyết nặng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định nghiên cứu thử nghiệm này cho thấy đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca sốt xuất huyết nhập viện và 67% ca sốt xuất huyết nặng.
Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu (5 năm sau khi tiêm vắcxin) để có đánh giá hoàn chỉnh, đảm bảo đánh giá được một vắcxin thực sự hiệu quả và an toàn cao. Các phản ứng sau tiêm chủng của vắcxin sốt xuất huyết là tương đương hoặc thấp hơn so với các vắcxin đang lưu hành. Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy vắcxin này không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào.
Đây là dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vắcxin mới ngừa sốt xuất huyết (CYD14) do Tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp) phối hợp Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang). Việt Nam là một trong 5 quốc gia tại khu vực châu Á tham gia trong giai đoạn III của tiến trình thử nghiệm với 2.336 trẻ từ 2-14 tuổi tình nguyện tham gia nghiên cứu.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh dựa vào kết quả nghiên cứu trong thời gian qua, nhà sản xuất vắcxin đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm cho nhóm từ người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh sốt xuất huyết, ưu tiên tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam. Điều này được dự đoán sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác hại do sốt xuất huyết gây ra trên toàn cầu trong thời gian tới.
Trong vòng hơn 20 năm, đã có 23 nghiên cứu vắcxin sốt xuất huyết ở cả 3 giai đoạn được tiến hành ở hơn 17 quốc gia trên khắp thế giới, từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Mexico, Australia, Singapore, Malaysia đến các nước đang lưu hành dịch sốt xuất huyết ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Theo nguyên tắc, vắcxin phải qua các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật trước khi đem thử nghiệm trên người. Nghiên cứu trên người gồm 3 giai đoạn: giai đoạn I (tính an toàn); giai đoạn II (tính sinh miễn dịch và tính an toàn) và giai đoạn III (hiệu quả phòng bệnh). Nếu nghiên cứu giai đoạn III thành công, nhà sản xuất có thể đệ trình hồ sơ lên các nhà chức trách về đăng ký đánh giá cấp phép lưu hành trên thị trường. Đây là các nghiên cứu đa trung tâm, được thiết kế nghiên cứu, triển khai thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt của thế giới.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết hiện đang là vấn đề toàn cầu và cứ sau 10 năm số mắc sốt xuất huyết trên thế giới lại tăng gấp đôi. Năm nay, tại Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Ấn Độ... sốt xuất huyết gia tăng sau nhiều năm không có dịch. Tại Việt Nam, sau năm 2014 (năm sốt xuất huyết tại Việt Nam giảm sâu nhất, thấp nhất trong vòng 10 năm), năm nay số mắc sốt xuất huyết gia tăng trở lại, theo đúng dự báo từ đầu năm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm nay, hiện tượng El Nino được đánh giá là mạnh nhất trong nhiều năm qua, gây nên thời tiết khô hạn khiến việc tích trữ nước gia tăng. Nhiệt độ trung bình gia tăng khiến thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi dẫn đến tăng nguy cơ dịch sốt xuất huyết. Việt Nam đã từng trải qua vụ dịch sốt xuất huyết lớn nhất năm 1998 tương ứng với thời kỳ hoạt động của hiện tượng El Nino 1997-1998. Hiện tại, số mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất; nhiều khu nhà trọ dành cho người lao động nhập cư và có hạ tầng đô thị phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp đà tăng dân số như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại các nơi này, số ca mắc sốt xuất huyết khu trú ở một số quận, huyện, xã đang được ngành y tế nỗ lực kiểm soát.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo tại thời điểm hiện nay, khi chưa có vắcxin phòng chống bệnh sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người dân cần chủ động các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe, mỗi tuần dành 10 phút kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy nắp kín các lu, khạp; thay nước ở các bình hoa; thả muối vào chén nước kê chân chạn... Đồng thời, người dân cần thường xuyên dọn dẹp, loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, không để lăng quăng phát triển gây nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất huyết./.