Vắcxin của Pfizer/BioNTech giảm lây nhiễm sau một liều duy nhất

Một nghiên cứu mới cho biết chỉ với một liều duy nhất, vắcxin của hãng Pfizer/BiOTech cũng có thể làm giảm số ca nhiễm không triệu chứng cũng như ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Một nghiên cứu mới của Anh ngày 26/2 cho biết chỉ với một liều duy nhất, vắcxin của hãng Pfizer/BiOTech cũng có thể làm giảm số ca nhiễm không triệu chứng cũng như ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả từ hàng nghìn xét nghiệm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được tiến hành hằng tuần trong khuôn khổ theo dõi nhân viên y tế của các bệnh viện ở Cambridge, Đông England. Đồng chủ trì nghiên cứu trên, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nick Jones của Bệnh viện Đại học Cambridge cho biết: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở các nhân viên y tế không có triệu chứng đã giảm mạnh sau một liều tiêm vắcxin của hãng Pfizer-BioNTech."

Sau khi phân chia kết quả xét nghiệm của các nhân viên đã và chưa được tiêm phòng, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng 0,08% xét nghiệm của các nhân viên chưa được tiêm phòng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Con số này chỉ là 0,37% ở những nhân viên đã được tiêm trong vòng 12 ngày kể từ khi tiêm phòng (thời gian vốn được cho là chưa đủ để vắcxin tạo miễn dịch) và chỉ còn 0,02% sau 12 ngày trở lên sau khi tiêm.
Nghiên cứu trên chưa được đánh giá độc lập, nhưng được công bố trên mạng ngày 26/2 như một nghiên cứu sơ bộ.

[Mỹ: FDA cho phép bảo quản vắcxin Pfizer/BioNTech bằng tủ thông thường]

Một đồng chủ trì nghiên cứu, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Mike Weekes của Khoa Dược Viện Đại học Cambridge cho biết kết quả trên cho thấy nguy cơ nhiễm không triệu chứng ở các nhân viên y tế đã được tiêm hơn 12 ngày giảm 25%, và khả năng bảo vệ lên tới 75%. Ông cho biết thêm rằng tỷ lệ nhiễm không triệu chứng cũng giảm một nửa ở những người đã tiêm phòng dưới 12 ngày.

Chuyên gia trên khẳng định: "Đây là một tin mừng.vắcxin của Pfizer không chỉ bảo vệ những người chưa nhiễm mà còn giúp ngăn chặn sự lây lan của virus". Tuy nhiên, ông Weekes lưu ý rằng "vắcxin không thể bảo vệ hoàn toàn cho mọi người."

Anh đã triển khai tiêm phòng đại trà bằng vắcxin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca/Oxford từ cuối tháng 12/2020.

Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh một nghiên cứu quy mô lớn khác của Israel cho thấy vắcxin của Pfizer/BioNTech nếu tiêm đủ hai liều có thể bảo vệ 94% đối với mọi lứa tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục