Vắcxin COVID-19 và vụ tấn công tàu đẩy giá dầu Brent vượt 50 USD/thùng

Giá dầu Brent Biển Bắc kéo dài đà tăng giữa bối cảnh nguồn cung gặp nhiều bất ổn sau khi một công ty vận chuyển cho biết một tàu chở dầu đã bị tấn công khi đang dỡ hàng tại cảng Jeddah ở Saudi Arabia.
Vắcxin COVID-19 và vụ tấn công tàu đẩy giá dầu Brent vượt 50 USD/thùng ảnh 1(Ảnh minh họa: AFP)

Giá dầu tăng trong phiên ngày 14/12 trên thị trường châu Á, trong đó giá dầu Brent trở lại trên mốc 50 USD/thùng, nhờ hy vọng về việc triển khai vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ giúp làm tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới.

Trong khi đó, thông tin một tàu chở dầu bị tấn công tại Saudi Arabia cũng đang tác động đến thị trường.

Tại thị trường châu Á, lúc 14 giờ 30 phút ngày 14/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/2021 tăng 67 xu Mỹ (1,3%) lên 50,64 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2021 tăng 62 xu Mỹ 1,3% lên 47,19 USD/thùng.

Giá hai loại dầu chủ chốt này kéo dài đà tăng giữa bối cảnh nguồn cung gặp nhiều bất ổn sau khi một công ty vận chuyển cho biết một tàu chở dầu đã bị tấn công khi đang dỡ hàng tại cảng Jeddah ở Saudi Arabia.

Dầu Brent và WTI đã ghi nhận tuần tăng giá thứ sáu liên tiếp và là chuỗi tăng giá dài nhất kể từ tháng 6/2020.

[Giá dầu Brent quay về mức trên 50 USD nhờ hy vọng về vắcxin COVID-19]

Mỹ đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19, qua đó làm tăng hy vọng rằng những biện pháp hạn chế đi lại có thể sớm được thu hồi và nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới gia tăng.

Cuộc đàm phán Brexit kéo dài giữa các cường quốc châu Âu cũng đã “tiếp sức” cho các thị trường tài chính hôm 14/12.

Các quốc gia châu Âu lớn vẫn đang trong tình trạng phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nguyên nhân khiến nhu cầu năng lượng giảm sút. Mới đây, Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, có kế hoạch áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn từ ngày 16/12 để đối phó với dịch COVID-19. 

Các nhà đầu tư cũng chờ đợi hai cuộc họp giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+. Ủy ban giám sát cấp bộ trưởng chung của OPEC+ (JMMC), có nhiệm vụ giám sát sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của các thành viên, sẽ nhóm họp vào ngày 16/12 tới.

Còn OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 4/1 để đánh giá diễn biến của thị trường sau quyết định mới đây về việc hạn chế sản lượng tăng lên 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ năm sau.

Tại Mỹ, hồi tuần trước, các công ty năng lượng đã triển khai thêm nhiều giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2021 khi các nhà sản xuất tiếp tục quay hoạt động trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục