Vắcxin COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế thế giới?

Những dự báo khả quan cho năm nay chủ yếu dựa vào điều kiện sẽ có vắcxin tiêm phòng cho mọi người, để kéo thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại New Orleans, bang Louisiana, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 sẽ được bắt đầu tại Australia từ giữa đến cuối tháng Hai, nhanh hơn một tháng so với dự kiến. Trong đó, những người làm việc tại tuyến đầu chống dịch bệnh và các nhân viên có rủi ro tiếp xúc cao sẽ là nhóm đầu tiên được ưu tiên tiêm trước.

Vào tuần đầu tháng 1/2021, chi tiết cụ thể của kế hoạch triển khai vắcxin đã được Chính phủ Australia công bố với kỳ vọng khoảng 80.000 người sẽ đồng ý tiêm mỗi tuần, vì sức khỏe của chính họ và vì sự phục hồi của đất nước.

Trong bài viết đăng tải trên tuần báo The Age của Australia, nhà báo Jennifer Duke nhận định chỉ mới vài tháng trước, thật khó để hình dung sự hào hứng của mọi người đối với một biện pháp y tế mới sẽ là như thế nào, nhưng giờ đây có thể hiểu rằng đó là cơ sở của một trong những sự kiện được mong chờ nhất trong năm nay.

Tác giả viết các đài truyền hình, giới truyền thông sẽ chen lấn nhau để có thể có được cảnh quay về khoảnh khắc những người Australia đầu tiên được tiêm vắcxin phòng bệnh COVID-19 và sẽ có những cuộc tranh luận, thảo luận sôi nổi diễn ra trên khắp các diễn đàn.

Mọi người sẽ được nghe nhiều hơn về việc những nền tảng mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter và Google đang xử lý thông tin sai lệch từ các nhóm chống đối lại việc tiêm vắcxin.

Cũng sẽ có những cuộc tranh luận khác liên quan tới thắc mắc liệu tiêm chủng có nên trở thành quy định bắt buộc hay không và mọi người có thể đi du lịch ra nước ngoài khi họ đã được tiêm chủng hay không? Sẽ có những bất đồng và cả cảm xúc dâng trào.

[WTO: Lạc quan thận trọng với triển vọng thương mại toàn cầu năm 2021]

Nhưng trên hết, cảm giác cuối cùng là đến một lúc nào đó thế giới có thể quay trở lại cuộc sống như trước kia khi không có đại dịch. Vắcxin mang tới hy vọng ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cải thiện thị trường lao động và cuối cùng mở toang cánh cửa biên giới quốc gia với tất cả phần còn lại của thế giới.

Đây chính là lý do tại sao việc triển khai vắcxin một cách suôn sẻ sẽ rất quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Những dự báo khả quan cho năm nay chủ yếu dựa vào điều kiện sẽ có vắcxin tiêm phòng cho mọi người, để kéo thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thiệt hại 3.000 tỷ USD và còn tiếp tục tăng

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu năm 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố vào tuần đầu tháng Một, dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng khoảng 4%, nhưng phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vắcxin trên toàn cầu.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh điều này không đảo ngược được toàn bộ “nỗi đau” tài chính mà thế giới đã gặp phải trong năm 2020. Năm ngoái, kinh tế toàn cầu đã sụt giảm 4,3% và hầu hết các quốc gia phải chịu mức thiệt hại nặng nề hơn nhiều nếu so với mức thiệt hại khoảng hơn 85 tỷ AUD (63,75 tỷ USD) của Australia trong năm tài chính 2019-2020.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm 2021 có khả năng thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đại dịch. Về cơ bản, điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 đã khiến thế giới thiệt hại khoảng 3 tỷ USD.

Chủ tịch WB David Malpass trong một tuyên bố đã mô tả triển vọng là một “sự phục hồi chưa rõ ràng” và thế giới vẫn còn phải đối mặt với “những thách thức ghê gớm.”

Ông nhấn mạnh: “Để vượt qua tác động của đại dịch và chống lại “cơn gió ngược” trong đầu tư, cần phải có một động lực lớn cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường tính linh hoạt của thị trường lao động và sản xuất, củng cố tính minh bạch và quản trị.”

Về cơ bản, điều này có thể được hiểu là vắcxin sẽ không giúp tự chữa khỏi những tai ương kinh tế của thế giới.

Mặc dù vậy, báo cáo vẫn kỳ vọng việc nhanh chóng triển khai tiêm chủng sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sự phục hồi về niềm tin, tiêu dùng và sự cải thiện dần trong thương mại.

Báo cáo cho biết: “Trong một kịch bản tích cực, việc triển khai các loại vắcxin có hiệu quả cao một cách nhanh chóng đồng nghĩa với việc “đại dịch sẽ làm giảm bớt nhanh chóng, kích hoạt niềm tin của người tiêu dùng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén. Các nhà xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và các quốc gia có thế mạnh về thương mại và du lịch quốc tế sẽ được lợi nhiều nhất từ việc đại dịch sớm được khống chế.”

Nhưng trong một kịch bản tiêu cực hơn cũng do WB đưa ra, nơi việc triển khai vắcxin có thể bị chậm lại vì công tác hậu cần và sự miễn cưỡng đối với tiêm chủng, dịch bệnh có thể sẽ còn bùng phát nhiều hơn nữa và tăng trưởng kinh tế chỉ phục hồi ở mức chậm chạp 1,6% trong năm nay. Con số này thậm chí thấp hơn, ở mức 0,6% đối với các nền kinh tế tiên tiến.

Cần phải lưu ý rằng, ngay cả khi có vắc-xin, quy mô kinh tế toàn cầu cũng vẫn sẽ nhỏ hơn so với khi không có đại dịch. Tuy nhiên, đó là bước tiến đầu tiên trong nhiều bước đi nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc chiến sống còn

Việc triển khai vắcxin đúng cách sẽ là cuộc chiến sống còn đối với nhân loại, về cả sức khỏe và kinh tế. Đó là một thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, những người nhận thức rõ mức độ quan trọng của chương trình tiêm chủng vắcxin phòng bệnh COVID-19, trong khi phải vật lộn với kỳ vọng của công chúng.

Ngoài những quyết định rất khó khăn về việc ai được tiêm vắcxin vào lúc nào, điều này không hề đơn giản như người ta tưởng, trong đó việc triển khai tiêm phòng rõ ràng là một thách thức lớn về quan hệ công chúng (PR).

Tại Australia, dự kiến 4 triệu người sẽ được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh COVID-19 vào cuối tháng Ba. Chính phủ Australia nhận thức rõ rằng có một số bộ phận trong cộng đồng miễn cưỡng chấp nhận việc tiêm chủng và đã bắt đầu chi hàng triệu AUD để giải quyết mối lo ngại này.

Cần phải có nhiều phân tích và lập kế hoạch về việc vắcxin sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mở cửa biên giới quốc gia, tránh tình trạng đóng cửa trong tương lai và cách bảo vệ tốt nhất cho những người không thể tiêm vắcxin. Vì vậy, dường như khó khăn vẫn chưa kết thúc, ngay cả khi vắcxin bắt đầu được triển khai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục