Vạch trần thủ đoạn lừa đảo của một số công ty mời chào 'sở hữu kỳ nghỉ du lịch'

Hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định theo mùa hoặc nhiều năm.

Một số công ty bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà của người dân. (Nguồn: TTXVN)
Một số công ty bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà của người dân. (Nguồn: TTXVN)

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều đơn của người dân tố giác một số công ty kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoạt động mua bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 7 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền, tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Một số công ty bán “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà của người dân.

Các công ty này đã mời chào khách hàng bằng hình thức gọi điện mời tham dự hội nghị, hội thảo nghỉ dưỡng để nhận voucher du lịch miễn phí tại một số khu du lịch, khách sạn 4 sao, cam kết không cần mua hàng, không cần mang theo tiền mặt mà chỉ cần căn cước công dân để xác nhận thân phận.

Khách mời đến công ty theo lịch hẹn sẽ được nhân viên chăm sóc khách hàng giới thiệu về sản phẩm "sở hữu kỳ nghỉ du lịch” với các gói du lịch dao động từ khoảng 200-900 triệu đồng tùy theo thời gian cho kỳ nghỉ dưỡng và thời hạn hợp đồng (từ 5-40 năm).

luadao3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trendmicro)

Các nhân viên tư vấn đưa ra những chính sách ưu đãi giảm giá lớn khi ký kết hợp đồng, đặt cọc ngay tại sự kiện, đồng thời hứa hẹn về khả năng sinh lời khi chuyển nhượng kỳ nghỉ dưỡng cho người khác khi không có nhu cầu sử dụng... khiến khách hàng không có thời gian đọc kỹ, hiểu rõ hợp đồng đã vội vàng ký và đặt cọc.

Khi khách hàng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều khoản phí thường niên; khách hàng không thể bán lại cho người khác... đã đến công ty để thanh lý hợp đồng và đòi lại tiền.

Lúc này, khách hàng mới nhận ra trong nội dung bản hợp đồng "cài" nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng, không thể thanh lý hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp hợp đồng sẽ giải quyết tại tòa án dân sự...

Infographics_ky nghi du lich 2.jpg
(Nguồn: TTXVN)

Điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ đương sự khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Một số công ty kinh doanh “sở hữu kỳ nghỉ du lịch” trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng bằng thủ đoạn thường xuyên thay đổi đổi tên công ty, đổi trụ sở hoạt động, thậm chí đóng cửa không còn hoạt động, không liên lạc được với đại diện theo pháp luật... dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tụ tập đông người, phức tạp về an ninh trật tự.

Trước tình hình trên, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động “sở hữu kỳ nghỉ du lịch," tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý, nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng, tránh bị lợi dụng gây thiệt hại lợi ích của bản thân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục