Vaccine ngừa COVID-19 và cuộc khủng hoảng tín nhiệm của phương Tây

Việc không đủ quỹ tài trợ cho COVAX, cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo sự tiếp cận vaccine công bằng trên toàn cầu, càng thể hiện rõ sự chần chừ của phương Tây trong việc hỗ trợ phần còn lại của thế giới.
Vaccine ngừa COVID-19 và cuộc khủng hoảng tín nhiệm của phương Tây ảnh 1Lô vaccine ngừa COVID-19 thuộc chương trình COVAX được chuyển tới Accra, Ghana, ngày 24/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, niềm tin là điều vô cùng quý giá. Với việc không thể làm gì nhiều hơn để giúp phần còn lại của thế giới có được vaccine ngừa COVID-19 càng nhanh càng tốt, các nền kinh tế phát triển của phương Tây đang lãng phí nguồn lực quan trọng nhất của mình và gây nguy hiểm cho hệ thống quốc tế mà sự thịnh vượng của họ đang dựa vào.

Sự vận hành đúng đắn của bất kỳ hệ thống kinh tế có tính kết nối nào cũng đều dựa trên niềm tin. Và một hệ thống toàn cầu từng được các nền kinh tế phát triển thiết kế đòi hỏi một mức độ mua vào đáng kể từ thế giới đang phát triển.

Cả hai sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi các nền kinh tế đang phát triển, mà Trung Quốc đang dẫn đầu, đạt được tầm quan trọng mang tính hệ thống.

Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực phục hồi từ cú sốc kinh tế lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, việc quản lý yếu kém hoạt động triển khai vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu đã làm suy yếu niềm tin đối với hệ thống quốc tế đã nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Cùng với những ký ức về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vốn bắt nguồn từ các nền kinh tế phát triển, những thất bại hiện nay đang làm gia tăng tâm lý hoài nghi ở một số nước rằng trật tự quốc tế có thể đã không còn phù hợp với mục tiêu của họ.

[Quốc tế cam kết đóng góp thêm 2,4 tỷ USD cho cơ chế COVAX]

Đặc biệt, phương Tây phải xử lý nghiêm túc những mối quan ngại này. Do không có hệ thống đa phương nào có thể thay thế hệ thống hiện nay, sự thay thế duy nhất là một kịch bản chia rẽ toàn cầu và những căng thẳng kinh tế, xã hội và chính trị ngày càng gia tăng.

Mặc dù Anh là nước đi đầu trong việc tiêm chủng cho người dân nước mình, việc họ phải vật lộn để kiềm chế các ca nhiễm liên quan đến biến chủng B.1.617.2 mới từ Ấn Độ là một lời nhắc nhở rằng không ai có thể an toàn khi mà tất cả chưa được an toàn.

Như cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown lưu ý, trong khi “gần một nửa số công dân Mỹ và Anh hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19”, thì tỷ lệ này ở Ấn Độ chỉ mới là 11%. Tại khu vực Cận Sahara của châu Phi, chỉ có gần 1% dân số được tiêm một liều duy nhất.

Mặc dù các vấn đề riêng của từng quốc gia cũng góp phần vào sự triển khai yếu kém và thiếu hiệu quả ở một số nền kinh tế phát triển, nhưng vấn đề thực tế là nguồn cung không đủ. Như Liên hợp quốc đã chỉ ra hồi tháng 3/2021, chỉ có “10 quốc gia giàu có... sở hữu 80% tất cả các loại vaccine ngừa COVID-19.”

Điều này cho phép họ bắt đầu tiêm chủng cho ngay cả các nhóm dân số ít có nguy cơ tổn thương nhất - chẳng hạn như trẻ em dưới 12 tuổi, trong khi hàng tỷ người trong thế giới đang phát triển hoàn toàn chưa được bảo vệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các quốc gia có lượng lớn vaccine tồn dư có thể trao tặng 1 tỷ liều trong năm 2021 mà không làm ảnh hưởng đến các ưu tiên tiêm phòng trong nước.

Thêm vào đó, một số nền kinh tế phát triển đã tích lũy được lượng lớn vaccine dư thừa để chuẩn bị cho một đợt tiêm tăng cường vào mùa Thu.

Việc không đủ quỹ tài trợ cho COVAX, cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo sự tiếp cận vaccine công bằng trên toàn cầu, càng thể hiện rõ sự chần chừ của họ trong việc hỗ trợ phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, đây không chỉ là một thất bại về mặt đạo đức, đó là còn là thất bại trong thực hành.

Theo nghiên cứu của IMF, một khoản tài trợ thêm trị giá 50 tỷ USD cho các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu có thể sẽ mang lại 9.000 tỷ USD lợi ích kinh tế

Việc triển khai vaccine trên toàn cầu càng kéo dài, tổn thất dài hạn đối với hệ thống quốc tế vốn đã chịu nhiều sức ép lại càng lớn. Được thiết lập từ gần 80 năm trước, hệ thống này tập trung vào những nền kinh tế phát triển có truyền thống cung cấp những “hàng hóa công” quan trọng, chẳng hạn như một đồng tiền dự trữ quốc tế bình ổn (USD) và sự tài trợ đáng kể cho các thể chế đa phương.

Đáp lại những đóng góp này, các nền kinh tế phát triển được hưởng những đặc quyền lớn lao, bao gồm một quyền phủ quyết trong các vấn đề quản trị toàn cầu, phát hành tiền và hưởng lãi suất thấp...

Tuy nhiên, mặc dù hệ thống quốc tế thời hậu chiến đã mang lại cho các nền kinh tế phát triển sức ảnh hưởng không tương xứng trong các vấn đề toàn cầu, nhưng sự tín nhiệm và vận hành cơ bản của nó rốt cuộc cũng phải phụ thuộc vào khả năng hành xử có trách nhiệm của các nhà quản lý hệ thống này.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy họ đã không làm được điều này, và sự dựa dẫm lâu dài và quá mức của thế giới giàu có vào một chính sách phụ thuộc quá nhiều vào tiền tệ đã gây tổn hại cho uy tín của họ.

Trong hoàn cảnh này, sự triển khai vaccine thiếu cân đối, không công bằng và không hiệu quả có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào khả năng duy trì lâu dài của hệ thống này. Điều này chắc chắn mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Với sức mạnh kinh tế ngày càng phát triển và quy mô ảnh hưởng toàn cầu ngày càng lớn, nước này đang tích cực thách thức tính hợp pháp và sức hấp dẫn của trật tự mà phương Tây đang thống trị mà theo mô tả của họ là không thể tin cậy và phụ thuộc vào các mối quan hệ bất cân xứng với các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, vì không ai có thể thay thế một điều gì đó nếu không có gì trong tay, nên kết quả sẽ là sự tiến hóa chậm nhưng vững chắc của một kiểu hệ thống lai tạp. Hệ thống thời hậu chiến này vẫn đang tồn tại, nhưng sự thống trị của nó đang dần bị xói mòn bởi những sắp xếp bỏ qua tính cốt lõi của nó.

Có thể kể đến các ví dụ như các thể chế đa phương (chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và Ngân hàng Phát triển Mới), các kế hoạch khu vực mới (đặc biệt là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc), và các thỏa thuận đầu tư và thương mại song phương.

Trước những diễn biến này, chuyển động chung của nền kinh tế toàn cầu đã bị suy yếu với những hậu quả đáng kể dành cho tất cả mọi người. Và nếu việc tiêm chung bị trì hoãn càng lâu ở nhiều nơi trong thế giới đang phát triển, thì sức ép mà các nước đã được tiêm chủng phải hứng chịu khi áp dụng tư duy phòng ngừa lại càng lớn.

Khi hệ thống quốc tế chia rẽ thì nó sẽ càng kém ổn định hơn, và những triển vọng cho sự tăng trưởng toàn cầu đồng bộ cần thiết để thúc đẩy hiệu suất của từng quốc gia sẽ càng giảm sút.

Thêm vào đó, khi lòng tin vào một hệ thống tiếp tục suy sụp, thì các nền kinh tế phát triển sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh-quốc gia hơn nữa.

Niềm tin là một mặt hàng quý giá: nó rất khó để thiết lập nhưng lại rất dễ dàng sụp đổ, và cực kỳ khó để lấy lại. Mặc dù chưa thể hoàn hảo, nhưng trật tự quốc tế hiện nay vẫn tốt hơn bất kỳ sự thay thế nào khác, và vẫn có thể thay đổi đáng kể. Các nền kinh tế tiên tiến không nên đe dọa nó bằng cách chậm trễ trong nỗ lực tiêm chủng toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục