Tỉnh Bình Dương đang trong lộ trình về trạng thái “bình thường mới," mở cửa từng phần phục hồi kinh tế -xã hội; trong đó tiêm đầy đủ vaccine sẽ giúp người dân an toàn hơn để sống chung với COVID-19. Đây cũng là “chìa khóa” để Bình Dương trở lại “bình thường mới” vững chắc hơn.
Cần thêm 2,7 triệu liều vaccine
Những ngày qua, người dân ở Bình Dương đã được đi lại giữa các “vùng xanh." Nhịp sống dần dần trở lại, nhưng đa số bà con vẫn còn thận trọng khi đi ra đường do lo ngại số ca mắc COVID-19 mới còn rất nhiều.
Riêng 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục ghi nhận thêm hơn 4.000 ca F0 mới.
Hiện người dân Bình Dương quan tâm nhất là được tiêm vaccine để được ra đường, đi lại làm ăn, mua bán, kinh doanh.
Tính đến ngày 17/9, hệ thống báo cáo ghi nhận toàn tỉnh Bình Dương đã tiêm hơn 1,9 triệu liều vaccine; trong đó có hơn 1,8 triệu người đã tiêm mũi một; 55.035 người được tiêm hai mũi (chủ yếu là lực lượng tuyến đầu).
Theo phản ánh của một số người dân ở trọ, do không có giấy tờ rõ ràng hoặc chưa bổ sung đầy đủ nên các phường, xã nơi cư trú chưa cấp giấy giới thiệu đến điểm tiêm vaccine, vì vậy đến giờ này vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine mũi một. Do đó, đến nay tỉnh Bình Dương chưa thể phủ kín 100% người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng; mục tiêu trở về trạng thái “bình thường mới” giúp người dân trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán đang diễn tiến khá chậm chạp.
Trong khi đó, theo ngành chức năng, qua rà soát trên địa bàn Bình Dương có khoảng 2,5 triệu người. Để tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19 cho toàn dân, tỉnh cần khoảng 4,7 triệu liều vaccine.
[Bình Dương cần cân nhắc những loại hình thiết yếu sẽ được mở cửa]
Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết để người dân trong tỉnh được tiêm hai mũi vaccine, Bình Dương cần ít nhất 2,7 triệu liều vaccine bao gồm: 750.000 liều Vero Cell; 1,5 triệu liều AstraZeneca; 150.000 liều Pfizer, 500.000 liều Moderna.
Về kế hoạch mở cửa đúng lộ trình ba giai đoạn như đã đề ra sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương phải đẩy nhanh tiêm vaccine mũi hai cho người dân. Theo tính toán, tỉnh phấn đấu trong tháng 10 sẽ hoàn thành tiêm đủ hai mũi vaccine cho toàn bộ người dân trên địa bàn nếu được Bộ Y tế phân bổ liên tục, đầy đủ các loại vaccine nêu trên.
Cần đổi chiến thuật cách ly và điều trị
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế, ngày 17/9, trong 24 giờ qua, Bình Dương ghi nhận thêm 4.013 ca mắc COVID-19. Trong đó 88,2% số ca mắc tập trung trong khu phong tỏa với 3.539 ca, qua sàng lọc cộng đồng có 215 ca (chiếm 5,4%); 213 ca tại cơ sở y tế (chiếm 5,3%) và 46 ca qua kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 1,1%).
Thành phố Thuận An vẫn là “điểm nóng” khi ghi nhận đến 1.871 ca trong ngày 17/9; trong đó (khu vực phong tỏa 1.749 ca, 61 ca qua sàng lọc cộng đồng; Thành phố Dĩ An 986 ca; tiếp đến thị xã Bến Cát 368 ca; thị xã Tân Uyên 308 ca; Thành phố Thủ Dầu Một 197 ca…
Từ đợt dịch thứ tư, Bình Dương ghi nhận 173.086 ca mắc COVID-19; 1.577 bệnh nhân tử vong. Trong ngày, có đến 3.305 bệnh nhân mới nhập viện, 28 ca tử vong. Trong khi đó, 46.048 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện điều trị.
Đáng chú ý, mặc dù “vùng xanh” mở rộng trong toàn tỉnh với tỷ lệ đạt xấp xỉ 70%, nhưng đến nay vẫn còn 32.966 người trong các khu cách ly tập trung.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ-bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đánh giá trước đây, ngành y tế triển khai cách ly tập trung với mục đích chính hạn chế lây nhiễm. Hiện nay, tỷ lệ tử vong đang dần giảm bởi một số lượng bệnh nhân đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Về chiến dịch tiếp theo, ngành y tế Bình Dương cần thay đổi chiến lược khu cách ly tập trung; cần triển khai cho các trường hợp được cách ly tại nhà bao gồm F0 không triệu chứng, đã tiêm vaccine và người bệnh không có yếu tố nguy cơ. Giảm khu cách ly tập trung, nhưng cần chú trọng công tác điều trị bệnh viện. Các khu cách ly tập trung cần bổ sung thêm các điều kiện trở thành bệnh viện tập trung cho tầng 1 và 2; qua đó bổ sung y, bác sỹ, thuốc men, trang thiết bị, oxy. Người bệnh có triệu chứng, có yếu tố nguy cơ sẽ thu dung vào tầng 1 và 2 để điều trị sớm, tích cực, hạn chế được tử vong nhờ tiếp cận y tế sớm trong những khu cách ly.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết, theo dự báo trong giai đoạn “bình thường mới," tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới, với hàng nghìn ca mỗi ngày trong một khoảng thời gian nhất định. Việc đưa tỷ lệ F0 trở về “zero” ngay lập tức là điều không thể. Do đó, đến nay các bệnh viện dã chiến, khu điều trị COVID-19 cần tiếp tục giữ lại để tiếp nhận, điều trị cho số bệnh nhân có triệu chứng cần nhập viện mỗi ngày.
Ngành y tế tiếp tục kiện toàn lại hệ thống các bệnh viện dã chiến, khu điều trị với xu hướng tinh gọn khoa học, để đáp ứng tốt hơn cho từng khu vực huyện, thị; theo đó, sẽ chuyển hướng tập trung vào đối tượng bệnh nhân tầng 1 và 2 để tổ chức thu dung các trường hợp F0 ít triệu chứng; đồng thời nâng cấp đầu tư vào các bệnh viện khu điều trị tầng 3 cho bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Ngoài ra, các hệ thống bệnh viện dã chiến và những khu điều trị, ngành quyết tâm thành lập trạm y tế lưu động kết hợp với hệ thống này tại từng “pháo đài” phường, xã và khu công nghiệp, thậm chí tại doanh nghiệp. Đây là khâu quyết định trong chủ động đưa y tế đến gần người dân hơn. Mục tiêu phấn đấu là mỗi “pháo đài” có ít nhất 1-2 trạm y tế lưu động nhằm sẵn sàng cho việc sống chung với COVID-19 sau khi trở lại “bình thường mới."
Đặc biệt, tại các khu, cụm công nghiệp có từ 5.000-7.000 công nhân cũng có ít nhất một trạm y tế lưu động, giúp doanh nghiệp, người lao động an tâm hơn sau khi trở lại sản xuất./.