Sự việc bắt đầu từ ngày 26/7, khi tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu TP.HCM) nêu ra ý kiến cho rằng nên mở thêm loại hình tiêm vaccine COVID-19 dịch vụ để người dân dễ tiếp cận hơn. Phát biểu này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng trong bối cảnh hiện nay vaccine dịch vụ được mở ra không phải là giải pháp tốt. Bởi người nghèo có thể bị đẩy ra ngoài, không tiếp cận được nguồn vaccine và không được bảo vệ...
Bao phủ vaccine COVID-19 diện rộng
Tuy nhiên, ngay sau đó, trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội đã dẫn các bài báo về Kiến nghị của Bộ Y tế về việc "không dùng ngân sách mua vaccine phòng chống COVID-19 cũng như triển khai thực hiện xã hội hóa..." dẫn đến nhiều người dân chưa được tiếp cận vaccine tỏ ý kiến bất bình.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi là số tiền trong Quỹ phòng chống vaccine mới được thành lập cũng như khoản ngân sách Chính phủ đã cam kết để mua vaccine tiêm cho người dân sẽ sử dụng làm gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, nội dung kiến nghị của Bộ Y tế là có thật, đó là vào thời điểm khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát, nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc cần tiêm vaccine diện rộng.
Sau đó hàng loạt các quyết sách của Chính phủ đã được ban hành, như: Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 (VFVC)... đồng thời là sự ra mắt của Quỹ vào ngày 5/6/2021.
Bùng phát từ ngày 27/4 đến nay, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt hơn gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Xác định rất sớm việc tiêm vaccine chính là bảo vệ người được tiêm khỏi mắc thể nặng và phải nhập viện, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đang được triển khai quy mô lớn ở trên toàn quốc từ ngày 8/3.
[Làn sóng dịch thứ 4: Việt Nam triển khai quyết liệt chiến lược vaccine]
Trên tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế, Chủ tịch UBDN tỉnh, thành phố quyết định các đối tượng tiêm phù hợp với tình hình thực tế.
Chiến lược khoác “áo giáp sắt” cho từng người dân Việt đã được Chính phủ quyết liệt thực thi.
Ngày 18/5/2021, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vaccine phòng COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vaccine một cách nhanh nhất để có thể triển khai tiêm vaccine trên diện rộng cho nhân dân.
Ngày 21/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện chiến lược vaccine của Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19.
Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Nghị quyết số 53/ NQ-TTg về việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cùng các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Đã tiêm hơn 4,7 triệu liều vaccine
Tính đến hết ngày 27/7, Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các tỉnh/thành phố với 4.746.642 liều cho các đối tượng. Trong số này, tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, có 423.071 người đã tiêm đủ 2 liều.
Đến nay, đã có 6 loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gồm: Astra Zeneca, Sputnik, Pfizer, Vero Cell và Spikevax (Tên khác là: COVID-19 Vaccine Moderna) và Janssen.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, Việt Nam nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan.
Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều và đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào cuối năm 2021.
Tính từ tháng 2 đến ngày 23/7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell.
Trong số đó, có 2,5 triệu liều vaccine Astrazeneca do COVAX Facility hỗ trợ, 5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tặng thông qua COVAX, gần 4 triệu liều vaccine do các nước tặng, hơn 3,1 triệu liều đặt mua thông qua Công ty VNVC, hơn 97.000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech.
Trong quá trình hợp tác để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, theo thông tin từ Bộ Y tế vào chiều 27/7, đã có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vaccine COVID-19 với Nga, Mỹ và Nhật Bản đã được ký kết.
Tính đến 17 giờ ngày 27/7, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận được 8.242 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) do 486.199 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, vào quý 1 năm 2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus mở đường cho nghiên cứu vaccine. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á có vaccine tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Vào sáng 27/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vaccine Nano Covax phòng COVID-19 giai đoạn ba tiêm thử nghiệm mũi hai cho 12.000 tình nguyện viên (thuộc đợt 3b). Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
Vaccine COVID-19 dịch vụ: Sẽ triển khai vào thời điểm phù hợp
Đợt dịch lần thứ 4 này tại Việt Nam với chủng mới lây nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn. Để bảo vệ sức khỏe của người dân ở mức cao nhất, Việt Nam đang tiến hành đồng thời 3 “mũi công” về vaccine gồm: Mua và vận động nguồn vaccine từ các nước, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.
Điểm mấu chốt cho thành công của một chiến dịch tiêm chủng là để đảm bảo tất cả các quốc gia và tất cả mọi người đều được hưởng lợi, bao gồm cả những người khó tiếp cận nhất. Và mọi chính sách, quyết định đều được các cơ quan quản lý đang trong tiến trình để nỗ lực cao nhất đảm bảo công bằng cho mỗi người dân được bình an, đẩy lùi và khống chế dịch bệnh COVID-19.
Trả lời báo VietnamPlus, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 mục tiêu hiện nay của Việt Nam là bao phủ vaccine COVID-19 càng nhanh càng tốt. Việc mở vaccine COVID-19 dịch vụ nên có, tuy nhiên nên mở vào thời điểm phù hợp, đặc biệt là vào thời điểm khi vaccine đã về nhiều hơn. Bởi khi đó, Việt Nam đã bao phủ cơ bản các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP các đối tượng tiêm chủng.
“Để huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch, trong đó có vaccine, việc cho tư nhân tham gia vào cung cấp vaccine sẽ đẩy nhanh hơn và Việt Nam sớm bao phủ được vaccine hơn, tiêm nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, việc này chỉ được đưa ra trong điều kiện vaccine Việt Nam phải có nhiều, về nhiều, có nguồn cung dồi dào,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh./.
Tính từ tháng 2 đến ngày 23/7, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vaccine phòng COVID-19, gồm vaccine AstraZeneca, Sputnik-V, Pfizer/BioNTech, Moderna, Vero Cell. Trong số đó, có 2,5 triệu liều vaccine Astrazeneca do COVAX Facility hỗ trợ, 5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tặng thông qua COVAX, gần 4 triệu liều vaccine do các nước tặng, hơn 3,1 triệu liều đặt mua thông qua Công ty VNVC, hơn 97.000 liều vaccine đặt mua của Pfizer/BioNTech. Việt Nam đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả với 4.746.642 liều cho các đối tượng, trong số này, tiêm 1 mũi là 4.323.571 liều, có 423.071 người đã tiêm đủ 2 liều. Năm địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất là: Bắc Ninh, 20%; Bắc Giang, 15%; Thành phố Hồ Chí Minh, 11%; Quảng Ninh và Lạng Sơn, đều 8%. Tính số mũi tiêm, TP.Hồ Chí Minh đang đứng đầu với 1.039.652 mũi; Hà Nội: 286.236 mũi. |