Mùa bóng mới của đấu trường Vô địch Quốc gia Việt Nam, V-League 2024-2025 đã đi qua được 3 vòng đấu. Đã có những trận cầu tâm điểm diễn ra với sự góp mặt của các câu lạc bộ tên tuổi như Thể Công-Viettel, Becamex Bình Dương hay Công an Hà Nội... Tuy nhiên, hình ảnh khiến những người yêu bóng đá nước nhà phải suy ngẫm là những khán đài vắng bóng khán giả, những khoảng trống xuất hiện nhiều trên hàng ghế dành cho các hội nhóm cổ động viên...
Đại chiến vẫn không "hút" người xem
V-League 2024-2025 mở màn với những trận cầu tâm điểm ngay ở những vòng đấu đầu tiên: Hải Phòng tiếp đón Công an Hà Nội ở vòng 1, Thể Công và Hà Nội FC tạo nên trận "Derby Thủ đô" ở vòng 2, mới nhất là màn so tài của hai đội bóng "hút" khán giả bậc nhất V-League giữa Hoàng Anh Gia Lai và Nam Định ở vòng 3...
Tuy nhiên, lượng cổ động viên đến sân bình quân ở mỗi vòng đấu vẫn giảm so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), trung bình mỗi vòng các sân vận động V-League đón khoảng 5.000 khán giả/trận - thấp hơn nhiều so với số lượng khoảng 7.000 khán giả/trận mà giải đấu đã thiết lập ở 3 vòng đầu tiên của mùa trước.
Đi sâu vào từng trận đấu, có thể thấy số lượng khán giả đến sân giảm "đáng kể" ra sao: Sân Lạch Tray (Hải Phòng) trong trận đấu với Công an Hà Nội mùa trước đã tiếp đón 13.000 khán giả đến sân cổ vũ, mùa này con số giảm còn 9.500 người; hay trận Derby là niềm tự hào của Thủ đô giữa Thể Công và Hà Nội FC mùa trước từng đón 7.000 khán giả vào sân, sang năm nay chỉ còn 4.500 cổ động viên trên khán đài...
Ngoại trừ một vài sân đấu vẫn duy trì được lượng khán giả ổn định như sân Pleiku (Hoàng Anh Gia Lai), sân Thiên Trường (Nam Định)... thì những sân còn lại đều hiếm khi đón trên 5.000 người/trận.
Vòng 4 V-League 2024-2025: Thời cơ bứt tốc của Hoàng Anh Gia Lai
Trận đấu với đối thủ đang "khủng hoảng mini" SHB Đà Nẵng là cơ hội để HAGL xây chắc ngôi đầu bảng. Trong khi đó, Hải Phòng và Thể Công sẽ phải quyết chiến sau khi cùng nhận thất bại ở vòng đấu trước.
Những khán đài trống vắng, cổ động viên chỉ lấp đầy khoảng 1/3 những hàng ghế... không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của giải đấu mà còn làm "nguội" sự nhiệt huyết, hứng khởi của các cầu thủ trên sân, nguy cơ kéo theo sự suy giảm chất lượng của mỗi trận đấu.
"Trả giá" cho những sai lầm
Thực tế, có một số nguyên nhân khách quan có thể lý giải cho sự trống vắng trên những khán đài tại V-League. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), việc giải đấu khởi tranh vào thời điểm cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa đi qua và để lại hậu quả nặng nề ở nhiều địa phương khiến nhiều khán giả quyết định không đến sân.
"Sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, người người nhà nhà đều tập trung khắc phục hậu quả sau bão, vì vậy thời gian cho các hoạt động giải trí phải gác lại. Ở những vòng đấu tiếp theo, khi đời sống đã ổn định sau bão, số lượng trận đấu có tính chất quyết định đến các cuộc đua phân hạng tăng lên thì hy vọng khán giả sẽ lại đến sân cổ vũ đông hơn," chuyên gia Phan Anh Tú nhận định.
Chia sẻ từ một góc độ khác, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng V-League đang phải "trả giá" cho những sai lầm trong quá khứ: Từ việc thiếu hợp lý trong khâu sắp xếp lịch thi đấu đến những quyết định thiếu minh bạch từ công tác trọng tài.
"Ở những mùa giải trước, V-League đã tự làm hại chính mình khi ngắt lịch thi đấu quá nhiều để nhường chỗ cho các giải trẻ. Điều này làm cụt hứng không chỉ với khán giả mà còn với cả các cầu thủ - những người phải dồn lịch để 'đá cho xong' với mật độ 3 ngày/trận. Một nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà tổ chức ở mùa này là việc tăng cường sự xuất hiện của công nghệ VAR trong các trận đấu để tăng yếu tố công bằng - vốn là thứ 'xa xỉ' ở những mùa giải trước. V-League cần tính minh bạch để kéo khán giả trở lại và quá trình này đòi hỏi thời gian - nhưng là cần thiết cho sự phát triển của giải đấu," bình luận viên Quang Huy kết luận./.