V-League 2022 chịu ảnh hưởng thế nào sau những sự cố ở lượt đi?

V-League 2022 bị ảnh hưởng bởi hành vi phản ứng phi thể thao, đốt pháo sáng của cổ động viên ở lượt đi nhưng giải đấu không mất đi giá trị cốt lõi về về chuyên môn và bị khán giả "quay lưng."
V-League 2022 sẽ bắt đầu lượt về vào ngày 26/8 với diễn biến của vòng đấu thứ 14. (Ảnh: CLB HAGL)

19.000 là số lượng khán giả đông nhất đến sân theo dõi, cổ vũ một trận đấu ở lượt đi mùa giải V-League 2022. Theo thống kê, trung bình 6.733 người tới theo dõi một trận đấu ở nửa đầu mùa giải năm nay, trong đó 19/78 trận đấu có số lượng khán giả đến sân từ 10.000 người/trận trở lên.  

Điều đó phần nào cho thấy sức hút lớn của giải đấu chuyên nghiệp số 1 Việt Nam dù phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến hình ảnh như: Cổ động viên đốt pháo sáng, nhổ nước bọt vào trọng tài; công tác trọng tài gặp nhiều vấn đề và những tranh cãi gay gắt nổ ra trong suốt thời gian diễn ra lượt đi. 

Trước khi V-League 2022 bắt đầu tiếp tục với diễn biến của lượt về, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Nguyễn Minh Ngọc đưa ra những đánh giá, nhận định tổng quan nhất về nửa đầu tiên của V-League 2022. 

- Lượt đi V-League 2022 đã khép lại, ông đánh giá như thế nào về nửa đầu mùa giải ở khía cạnh tổ chức lẫn chuyên môn? 

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Sau 13 vòng đấu của giai đoạn lượt đi V-League 2022, chúng tôi đánh giá rằng tất cả các trận đấu đã được tổ chức tốt với công tác an ninh, an toàn được đảm bảo. Mùa giải này, cơ sở vật chất ở nhiều sân thi đấu được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là mặt cỏ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho các trận đấu.

Kết thúc lượt đi, cục diện trên bảng xếp hạng phân nhóm rõ ràng. Tuy nhiên, ngoài đội đầu bảng Hà Nội FC, khoảng cách giữa nhóm các đội từ thứ 2 đến thứ 9 chỉ là 5 điểm. Ba đội bóng đang ở vị trí thứ 2, 3, 4 gồm Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng, Bình Định đều cùng có 20 điểm. Ở nhóm cuối bảng xếp hạng, khoảng cách điểm số cũng không quá xa. 

Trong khi đó, số lượng khán giả đến sân mỗi trận đấu được xem là điểm sáng của giải đấu. Theo thống kê, 19/78 trận đấu ở giai đoạn lượt đi có số lượng khán giả đến sân từ 10.000 người/trận trở lên. Trận đấu bù vòng 3 giữa Nam Định vs Hà Nội ngày 26/6 trên sân Thiên Trường đón số khán giả đến sân cao nhất là 19.000 khán giả. Số lượng trung bình khán giả đến sân tại giai đoạn lượt đi là 6.733 người/trận. Đây là con số khả quan khi nhiều trận đấu vẫn tổ chức hạn chế khán giả. Nhiều sân giữ vững lượng khán giả ổn định như sân Pleiku, Thiên Trường, Quy Nhơn, Lạch Tray.

Lượt đi V-League 2022 duy trì được sức hút với cổ động viên và người hâm mộ. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

- V-League 2022 trở lại với thể thức cũ và ngay lập tức tạo nên sự kịch tính, cạnh tranh. Điều này mang lại ảnh hưởng tích cực thế nào đến nhà tổ chức nói riêng cũng như bóng đá Việt Nam nói chung, thưa ông? 

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Lượt đi V-League 2022 chứng kiến số liệu chuyên môn ấn tượng. Số bàn thắng trung bình là 2,29 bàn/trận. Còn số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ trung bình ở mức 3,64 thẻ/trận và 0,13 thẻ/trận, qua đó cho thấy sự ganh đua, cạnh tranh quyết liệt của giải đấu thể hiện ngay trong từng trận đấu. 

Tính cạnh tranh hấp dẫn được duy trì ở cả hai đầu của bảng xếp hạng, trong đó cuộc đua tranh vô địch có nhiều ứng cử viên như Hà Nội FC, Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định Viettel. Sự "trỗi dậy" của những giá trị cũ đi liền với sự đầu tư như đội bóng sứ Nghệ, kết hợp với tham vọng lớn của Bình Định, Hải Phòng khiến không khí các trận đấu V-League 2022 thêm nhiều màu sắc, tăng tính cạnh tranh, ngày càng có tính cân bằng và khó dự đoán kết quả. 

Luồng gió mới từ các cầu thủ trẻ cũng khiến các trận đấu thêm tươi mới, nổi bật nhất nằm ở sự mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ của SHB Đà Nẵng. Những tín hiệu tích cực góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị cho giải đấu. Sự thay đổi tốt hơn từ các câu lạc bộ vì thế cũng đem lại những giá trị phát triển bền vững cho các giải bóng đá chuyên nghiệp nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung. 

- Lượt đi V-League 2022 có thể coi là thành công về chất lượng chuyên môn thi đấu cũng như hình ảnh bởi thu hút được đông cổ viên. Song, còn nhiều điểm chưa trọn vẹn vì vấn đề trọng tài, hành vi phi thể thao của một số cổ động viên. Ông nghĩ sao về điều này? 

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Những vấn đề còn chưa trọn vẹn ở giai đoạn lượt đi như trọng tài mắc lỗi, hành vi nhổ nước bọt phản cảm của cổ động viên Hải Phòng, tình trạng đốt pháo sáng… là những tồn tại còn nổi cộm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh chung. Nhưng với sự hỗ trợ tích cực của truyền thông, báo chí, những hành vi phản cảm cũng đã bị lên án. Đơn vị điều hành giải đã có những án phạt mang tính nghiêm khắc, răn đe. Chúng tôi mong rằng ở giai đoạn lượt về, giải đấu sẽ có nhiều hơn những hình ảnh đẹp và tích cực được lan tỏa.  

Lượt đi V-League 2022 hấp dẫn về chuyên môn nhưng vẫn vấp phải nhiều vấn đề. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Những vấn đề không đẹp xuất hiện ở lượt đi V-League có gây ảnh hưởng tới hình ảnh và giá trị giải đấu đối với các đối tác tài trợ hay không, thưa ông?  

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Giải đấu hấp dẫn, kịch tính đương nhiên sẽ tạo sức hút và góp phần nâng cao giá trị, từ đó đem đến những hiệu quả truyền thông tích cực cho các nhà tài trợ đồng hành. Để giải đấu ngày một phát triển, bên cạnh công tác chuyên môn, các công tác tổ chức trận đấu, đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tiêu cực là những vấn đề trọng tâm cần phải được đảm bảo tốt cho từng trận đấu. VPF vẫn đang tiếp tục nỗ lực ở vai trò quản lý, tổ chức, điều hành giải đấu để từng bước nâng cao chất lượng hình ảnh và giá trị cho.

- Có ý kiến cho rằng V-League vẫn đang loay hoay với nhiệm vụ “kiếm tiền” và nâng tầm giá trị. Sau lượt đi mùa giải 2022, VPF đã đáp ứng được các điều kiện với những bên đối tác chưa, đặc biệt khi không chịu ảnh hưởng quá nhiều vì dịch bệnh? 

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Việc xây dựng và khẳng định giá trị là một chặng đường dài với các giải bóng chuyên nghiệp Việt Nam. Chúng tôi vẫn đang cố gắng từng bước để giải đấu ngày một tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Sau 2 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, VPF và nhà tài trợ Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đạt được thỏa thuận hợp tác 3 năm cho V-League với giá trị hợp đồng tương đối tốt, đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho công tác tổ chức giải. Các điều kiện quyền lợi vẫn đang được VPF đáp ứng đảm bảo cho tất cả các đối tác.

VPF mong muốn nâng tầm giải đấu V-League 2022 về mặt chuyên môn lẫn hình ảnh và giá trị thương hiệu. (Ảnh: VPF) 

- Ở phần còn lại của mùa giải, VPF hướng đến mục tiêu cụ thể nào và có những bước chuẩn bị ra sao cho V-League 2022?

Tổng giám đốc Nguyễn Minh Ngọc: Mục tiêu VPF đặt ra từ đầu là tổ chức thành công giải đấu. Cụ thể, các trận được tổ chức đúng kế hoạch, công tác an ninh an toàn được đảm bảo. Đặc biệt, công tác phòng chống tiêu cực được chú trọng ở giai đoạn lượt về. Chúng tôi vừa làm việc với VFF, gặp gỡ trao đổi với đơn vị C02 thuộc Bộ Công an để có những thông tin cảnh báo, phòng chống tiêu cực. Bên cạnh đó, Ban tổ chức V-League đặc biệt lưu tâm, tăng cường sự phối hợp với Ban trọng tài VFF trong việc xem xét phân công trọng tài kịp thời, hợp lý cho các trận đấu.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục