Ủy viên Thương mại EU: "Việt Nam là một thị trường tiềm năng"

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho rằng Việt Nam là thị trường mang đến rất nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU.
Ủy viên Thương mại EU: "Việt Nam là một thị trường tiềm năng" ảnh 1Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom. (Nguồn: AFP)

Là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và lực lượng lao động trẻ, năng động, Việt Nam được đánh giá là thị trường mang đến rất nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Liên minh châu Âu (EU).

Đây là nhận định của Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom đưa ra ngày 1/2 trong buổi công bố văn bản Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Theo tuyên bố của Ủy ban châu Âu (EC), theo thủ tục thông thường, văn bản giờ đây sẽ được xem xét trên phương diện pháp lý để xác thực tính nhất quán cũng như đảm bảo rằng tất cả các điều khoản được hình thành một cách chắc chắn về mặt pháp lý. Văn bản sẽ được dịch ra tất cả các ngôn ngữ trong khối EU trước khi trình lên Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để thông qua.

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và bà Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA. Hai bên đã khẳng định “Đây là thời khắc lịch sử trọng đại và là một dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU.”

Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hiệp định này được kỳ vọng tiếp tục tạo động lực thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế và giúp tạo thêm nhiều việc làm tại Việt Nam và EU.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã tăng từ 17,75 tỷ USD vào năm 2010 lên 36,8 tỷ USD năm 2014. Trong sáu tháng đầu năm 2015, tổng thương mại hai chiều đạt 19,4 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU là giày dép, dệt may, càphê, đồ gỗ, hải sản. EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2015, đã có 23 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.100 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 38,4 tỷ USD.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục