Ngày 12/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể nghe và cho ý kiến Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao về công tác của ngành năm 2014; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2014.
Công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ với phòng ngừa xã hội. Vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng kiềm chế gia tăng vi phạm pháp luật và tội phạm, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và đối ngoại của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ cần tăng cường công tác xây dựng pháp luật để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về kinh tế-xã hội và an ninh, trật tự, góp phần phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với vi phạm pháp luật và tội phạm.
Các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cần thiết và đầy đủ cho công tác phòng chống tham nhũng, đảm bảo sự thống nhất nhận thức giữa các cơ quan tư pháp; tăng cường hoạt động giám sát các ngành, lĩnh vực trọng điểm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sở hở, thiếu sót trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội nhằm hạn chế vi phạm pháp luật và tội phạm.
Đánh giá chung về công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, năm nay, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong một số việc và số tiền cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 về giá trị tuyệt đối và cao nhất từ trước đến nay, còn công tác thi hành án hình sự hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, mặc dù có kết quả tương đối cao về thi hành án nhưng công tác thi hành án dân sự chưa có sự đột phá, còn khoảng cách so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm chưa xử lý dứt điểm được.
Tuy đã cố gắng tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại nhưng vẫn còn chậm, hiệu quả hoạt động của các văn phòng thừa phát lại ở các địa phương ngoài Thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế.
Năm nay, công tác thi hành án đã tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu nhưng cũng còn một số hạn chế. Nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết kịp thời, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan có nơi chưa chặt chẽ…
Nhấn mạnh đến một số nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng do thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại nên rất nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá không bán được, dù đã giảm giá, bán đấu giá nhiều lần...
Cùng với đó, năng lực công tác, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, chấp hành viên chưa cao, thậm chí yếu kém. Công tác thanh kiểm tra vẫn còn hạn chế, chưa phát huy tốt vai trò là công cụ phục vụ cho quản lý, điều hành.
Để tăng hiệu quả công tác thi hành án, Bộ trưởng cho biết một trong các kiến nghị được quan tâm là đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự để tạo chuyển biến cơ bản, bền vững cho công tác thi hành án dân sự, thời gian tới, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự về thi hành các bản án, quyết định của Tòa án cho phù hợp với Luật thi hành án dân sự…
Dự kiến nội dung làm việc này sẽ được tiếp tục thảo luận trong ngày 13/9./.