Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật khí tượng thủy văn và Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã.
Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng và ban hành Luật khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết.
Luật được ban hành sẽ tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có hiệu quả.
Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 61 Điều. Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, cơ bản đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhất trí dự án Luật khí tượng thủy văn đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp 9.
Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật khí tượng thủy văn nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động khí tượng thủy văn phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động khí tượng thủy văn và thực tiễn: quản lý, khai thác mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; hoạt động phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn... và một số vấn đề khác mà chưa có văn bản pháp luật nào quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, rành mạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tại phiên thảo luận đánh giá nội dung của dự án Luật có liên quan đến một số công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và nhiều luật khác như Luật bảo vệ môi trường, Luật phòng, chống thiên tai, Luật tài nguyên nước, Luật đo lường, Luật giá, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật thanh tra, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và pháp luật về phí và lệ phí... Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật liên quan đến các công ước, điều ước quốc tế và các luật khác để bảo đảm phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật là có quy định về xã hội hóa trong hoạt động khí tượng thủy văn.
Về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể và rõ hơn nữa những nội dung này để bảo đảm tính khả thi của Luật, phát huy được mọi nguồn lực trong nước cũng như quốc tế góp phần hiện đại hóa, bảo đảm tính thống nhất, chính xác, kịp thời cho hoạt động khí tượng thủy văn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội , bảo đảm an ninh và quốc phòng…
Cho ý kiến về Điều 4: Nguyên tắc hoạt động khí tượng thủy văn, trên cơ sở tán thành với 4 nội dung đã nêu trong dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị bổ sung thêm nội dung hoạt động khí tượng thủy văn phải phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và nhiều ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi dự báo sai, gây thiệt hại cho đời sống người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần bổ sung vào dự thảo Luật cơ chế để khuyến khích, quan tâm đối với cán bộ ngành…
Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chính phủ về 5 Đề án gồm thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa./.