Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm nay

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 13/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Các ý kiến cho rằng việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng là phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn nhiều khó khăn, nên nếu tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng sẽ giúp các đối tượng tiêu dùng có động lực chi tiêu, tạo dư địa cho phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, cũng tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước, cũng như nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đây là nội dung mới bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, nên vấn đề cần cân nhắc hiện nay là có trình Tờ trình, Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội hay không? Có bố trí thảo luận trong các phiên họp toàn thể, tại tổ của Quốc hội không? Cách chuyển tài liệu đến đại biểu Quốc hội, nói với đại biểu Quốc hội như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với tiếp tục duy trì chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện Tờ trình, Ủy ban Tài chính-Ngân sách hoàn thiện Báo cáo thẩm tra thể hiện chính kiến để gửi các đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có công văn đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép không đọc Tờ trình, Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội mà thảo luận tại tổ, sau đó tổng hợp và đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Quốc hội về kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. (Ảnh: An Đăng/ TTXVN)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra để báo cáo bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng sự thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chú ý tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm điều hành thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, không ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán, cũng như yêu cầu cấp bách phát sinh.

Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức, trong đó nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ trong một thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí; đồng thời, quyết định đưa thành một mục trong Nghị quyết của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7.

Cũng trong phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng điều luật cụ thể áp dụng pháp luật trong quản lý, sử dụng dao có tính chất sát thương cao.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật bổ sung quy định "dao có tính sát thương cao" vào dự thảo luật nhằm tăng cường công tác quản lý, tạo cơ sở pháp lý để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật sử dụng "dao có tính sát thương cao."

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị quy định 3 mức độ quản lý, sử dụng "dao có tính sát thương cao" làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí nhưng phải được quản lý chặt chẽ.

Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ thì quy định là vũ khí thô sơ.

Trường hợp thực hiện hành vi gắn với mục đích sử dụng để xâm phạm, đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trái pháp luật thì quy định là vũ khí quân dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục