Chiều 21/2, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã bế mạc.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sau hai ngày làm việc khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình của Phiên họp thứ 7.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của hai dự án luật, gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Thủy lợi.
Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp; mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn rà soát lại từng điều khoản của dự án luật, hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Phiên họp thứ 8 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ ba.
Với dự án Luật Thủy lợi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc và ý kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan, xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nếu thấy cần thiết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh, giao Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ, các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc cho phép áp dụng hệ số đặc thù ưu tiên phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với các xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giao cho Ủy ban Tài chính-Ngân sách phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại phiên họp; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về vấn đề này gửi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội bằng văn bản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến về báo cáo của Chính phủ về danh mục và bố trí vốn cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Căn cứ vào kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan để triển khai thực hiện theo tinh thần dự án nào đúng quy định thì cho đi trước, thông báo trước; dự án nào chưa đúng quy định và cần làm thêm thì tiếp tục làm và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc tại phiên họp tới.
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội; đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của phiên họp, hoàn chỉnh tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sau.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau khi phiên họp kết thúc, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ chỉ đạo khẩn trương thực hiện các kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời tích cực chuẩn bị các nội dung cho Chương trình Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 13-24/3 tới.
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với các nội dung cụ thể về tổng mức và cơ cấu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thông báo, hướng dẫn phân bổ chi tiết; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chi tiết kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; đề xuất và rà soát phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành trung ương và địa phương; kế hoạch vốn đầu tư chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 của bộ, ngành, địa phương...
Báo cáo thẩm tra phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về cơ bản, các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chung, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ đã bám sát và cụ thể hóa các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và các văn bản liên quan, góp phần định hình tổng thể cân đối, phân bổ nguồn lực đầu tư công trong trung hạn, cơ bản thu hồi nợ đọng, vốn ứng trước.
Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, mặc dù có thời gian chuẩn bị khá dài song do đây là lần đầu thực hiện, phát sinh một số khó khăn do nguyên nhân khách quan, chủ quan nên việc xây dựng, đề xuất danh mục phân bổ vốn của các bộ, ngành trung ương, địa phương và tổng hợp, hoàn thiện danh mục của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn hạn chế, chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn cho quá trình thẩm tra. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, trong đó chú ý nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu để giữ vững kỷ cương, kỷ luật tài chính, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phòng và một số ý kiến cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương chuẩn bị, thực hiện đúng và nghiêm túc Luật Ngân sách, các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên tinh thần phục vụ tốt nhất việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm.
Nhấn mạnh việc xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là một bước tiến quan trọng trong sắp xếp, phân bổ, cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô, an toàn nợ công và khắc phục trình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần đặc biệt quan tâm ưu tiên cân đối, bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án quan trọng, dự án ODA, các dự án theo hình thức hợp tác công-tư (PPP)... để phát huy tối đa được các nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, việc phân bổ vốn đầu tư công phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch, tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng phải sắp xếp thật kỹ, đưa ra thứ tự ưu tiên cho các chương trình, dự án, hạng mục đầu tư, nhất là những dự án có ý nghĩa quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, của vùng hay của địa phương; hết sức quan tâm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư; phải bảo đảm các dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện, yêu cầu theo quy định của Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật Đầu tư công...
Một số ý kiến đề xuất trong quá trình hoàn thiện, ban hành danh mục dự án đầu tư cần rà soát thận trọng, bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại các nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bảo đảm sự hài hòa, công bằng giữa các vùng, miền; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua trong đầu tư công.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ trân trọng và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo các yêu cầu đã được đề ra.
Cho biết những nét chính về tình hình đầu tư, giải ngân vốn đầu tư, việc bố trí vốn đối ứng cũng như thừa nhận tiến độ triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn còn chậm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nguyên nhân của một số hạn chế và chậm trễ có cả chủ quan và khách quan. Khách quan là lần đầu tiên thực hiện, một số bộ, địa phương chưa có kinh nghiệm, vốn giảm nhiều so với dự kiến cho nên “bị co kéo, cân nhắc nhiều”; xây dựng danh mục dự án theo Luật Đầu tư công cũng còn những lúng túng... Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định không thể đổ lỗi, cho đó là nguyên nhân chính mặc dù có khách quan thật nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là quan trọng nhất, trong đó có nguyên nhân của việc thiếu tích cực, trách nhiệm của những người đứng đầu một số các cơ quan, đơn vị chưa cao, vấn đề phối hợp công tác...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ trong xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vì đây là lần đầu tiên thực hiện, phát sinh một số khó khăn vì trong cân đối, phân bổ vốn vừa phải đáp ứng các yêu cầu của Luật Ngân sách, các Nghị quyết của Quốc hội, vừa phải đáp ứng các yêu cầu của địa phương...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến cần phải có những phương án phù hợp trong sắp xếp thứ tự các dự án, phân bổ ngân sách, nhất là những dự án còn "vênh" giữa Trung ương với các dự án mà địa phương đề xuất; giữa nguồn vốn còn chưa cân đối giữa sự bố trí của Trung ương và đề xuất bố trí vốn của địa phương./.