Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đảm bảo tổ chức thành công IPU-132

Sáng 21/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sáng 21/1, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội vào tháng 3/2015.

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, thành viên của Ban Tổ chức IPU-132.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 đã cơ bản đã hoàn thành. Là nước chủ nhà, Việt Nam đã xác định số lượng, nguyên tắc tiếp nhận các đoàn thăm song phương, đón Đoàn thăm chính thức song phương trước và sau Đại hội đồng.

Thời gian tổ chức IPU-132 sẽ tiến hành từ ngày 28/3 đến ngày 1/4/2015 với chủ đề là "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động." Đây sẽ là thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới, trong đó có Quốc hội Việt Nam bằng các hành động cụ thể đối với các Mục tiêu phát triển bền vững đang được Liên hợp quốc bàn thảo và sẽ chính thức thông qua vào năm 2015.

Kết thúc Đại hội đồng, IPU dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội - đây là văn kiện mang tính lịch sử ghi dấu ấn của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam, sẽ được sử dụng như một văn bản chính thức của IPU trình Hội nghị Thượng đỉnh những người đứng đầu các cơ quan lập pháp vào tháng 8/2015 và là văn kiện quan trọng của IPU gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015.

Cùng thời gian diễn ra Đại hội đồng IPU 132, cũng sẽ có Hội nghị Nữ nghị sỹ IPU và Diễn đàn Nghị sỹ trẻ IPU, đây là các diễn đàn quan trọng cho các nghị sỹ đóng góp ý kiến vào chương trình nghị sự chung của Đại hội đồng từ góc độ nữ giới và thanh niên, đồng thời thảo luận những vấn đề nhằm thúc đẩy sự tham gia của hai đối tượng này vào các hoạt động chính trị.

Dự kiến tại Đại hội đồng IPU-132 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sỹ và thảo luận các nội dung tổng kết 20 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh về quyền Phụ nữ.

Đồng thời Hội nghị Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện (ASGP) cũng sẽ được tổ chức với chủ đề “Tìm kiếm mô hình giúp việc nghị viện hoạt động hiệu quả” do Quốc hội Việt Nam đề xuất sẽ trở thành chủ đề thảo luận tại ASGP-132 tại Đại hội đồng IPU-132.

Để chuẩn bị cho Đại hội, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng báo cáo công tác chuẩn bị các địa điểm thăm quan như Hạ Long - Quảng Ninh, Tràng An - Ninh Bình và giới thiệu sản phẩm lưu niệm tới các đại biểu dự IPU-132; xây dựng mô hình Không gian văn hóa Việt tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội, thành phố Hà Nội cũng đã lên kế hoạch chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khách sạn, cũng như các phương án phòng chống dịch bệnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, thời gian đến ngày diễn ra Đại hội đồng IPU-132 đã cận kề; nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan, ban ngành hữu quan là hoàn tất công tác chuẩn bị để đảm bảo thành công của IPU-132 - sự kiện ngoại giao quy mô lớn nhất đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban Tổ chức chủ động tham gia xây dựng, đóng góp vào nội dung của các Phiên họp Đại hội đồng; phối hợp với Ban Thư ký IPU để thống nhất các nội dung thảo luận; đặc biệt là chủ động triển khai xây dựng Tuyên bố chung của Đại hội đồng trên cơ sở sự đồng thuận của Chủ tịch IPU và Ban Thư ký IPU vì các mục tiêu hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Các nội dung trong khuôn khổ IPU-132 phải đảm bảo thể hiện những đóng góp của IPU đối với cộng đồng thế giới, các tổ chức quốc tế và đối với việc thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc; tăng cường tiếng nói của Đại hội đồng, trong đó có điểm nhấn của Việt Nam – quốc gia đăng cai IPU-132.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý công tác tổ chức cần chú trọng việc gìn giữ, tăng cường hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Qua IPU-132, cần khẳng định quan điểm của Việt Nam mong muốn và sẵn sàng làm bạn với các quốc gia trên thế giới vì hòa bình và phát triển. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn phải đặc biệt được chú trọng trước, trong và sau Đại hội đồng, song vẫn phải đảm bảo không khí thân thiện, cởi mở đối với các đại biểu, khách mời, phóng viên quốc tế và trong nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất, rà soát kịch bản các hoạt động của Đại hội đồng một cách chi tiết từ míttinh, lễ tân, chiêu đãi, tham quan, du lịch đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, thực chất. Đặc biệt cần rà soát, tổng duyệt kỹ lưỡng tất cả các nội dung, chương trình; chủ động, dự báo và có biện pháp xử lý tốt mọi tình huống phát sinh; không để bị động, bất ngờ.

Cũng trong sáng 21/1, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh địa bàn kiêm nhiệm của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam.

Đây cũng là buổi làm việc cuối cùng của Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục