Ủy ban Thường vụ QH: Bổ sung thẩm quyền phát động thi đua, khen thưởng

Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nội dung quy định thẩm quyền khen thưởng với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu QH chuyên trách và đại biểu QH không chuyên trách.
Ủy ban Thường vụ QH: Bổ sung thẩm quyền phát động thi đua, khen thưởng ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tại Phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng17/8, với sự điều hành thảo luận của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền phát động thi đua, khen thưởng cho phù hợp với tình hình mới, bảo đảm tính bao quát toàn bộ hệ thống chính trị.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nội dung quy định thẩm quyền khen thưởng với đại biểu dân cử, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội không chuyên trách.

Về phát động, chỉ đạo phong trào thi đua, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung đủ các chủ thể, bảo đảm tính toàn diện trong phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Cụ thể là cần bổ sung Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào các chủ thể phát động, tổ chức phong trào thi đua.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu ý kiến cần xem xét về sự tương quan trong hệ thống chính trị. Dự án luật được xây dựng trên nền tảng, kế thừa luật cũ, nhưng cần có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Đồng ý với ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị xem xét bổ sung hình thức khen thưởng của Quốc hội. Thực tế, hiện nay, Quốc hội chưa có hình thức khen thưởng gì. Đồng thời, cần bổ sung quy định thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương có cả đại diện của khối Quốc hội để có thêm tiếng nói, góc nhìn và ý kiến về công tác thi đua, khen thưởng của cả hệ thống chính trị.

[Chủ tịch Quốc hội: Khắc phục tính hình thức trong thi đua, khen thưởng] 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là những cơ quan tương đương với cấp bộ, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng là những cơ quan nhà nước nhưng không được phát động phong trào thi đua, không được tổ chức khen thưởng.

Đại biểu Quốc hội cũng là cán bộ, công chức, viên chức nhưng tổng kết công tác hằng năm không được bình xét lao động tiên tiến, không được bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…

Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị bổ sung thẩm quyền thành lập Hội đồng Thi đua cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoặc chí ít là bổ sung thẩm quyền thành lập Hội đồng Thi đua chung cho các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo…

Trước nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nhiều vấn đề mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm,;đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự án luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật cần bảo đảm khái quát được vấn đề thi đua khen thưởng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nhưng tránh chồng chéo, hình thức, hiệu quả thấp; cần xem xét kỹ lại các danh hiệu thi đua. Thi đua, khen thưởng cần bảo đảm tính bao quát giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó cần lưu ý đối với khu vực ngoài Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ QH: Bổ sung thẩm quyền phát động thi đua, khen thưởng ảnh 2Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội; ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện bảo hiểm xã hội đã có sự phối hợp trong triển khai thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có giải pháp quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; tham gia bảo hiểm hưu trí; việc bổ sung thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra; phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, nhất là đối tượng bắt buộc; vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 để báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Các thông tin, dữ liệu phải có tính chất nhất quán, giải thích rõ, có phân tích, có đánh giá với các chỉ tiêu cụ thể để bảo đảm thống nhất giữa các cơ quan và khách quan, chính xác.

Ủy ban Thường Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý về tình hình nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá cẩn thận, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách Nhà nước để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng người lao động.

Về việc thanh tra, kiểm tra, cần phải đẩy mạnh và đổi mới về phương thức, tiêu chí rõ ràng, phù hợp để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục