Ngày 28/6, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) thông báo cơ quan này đã kiện tập đoàn bán lẻ Walmart với cáo buộc cho phép chuyển tiền gian lận để thu hàng trăm triệu USD của khách hàng.
Ngoài hoạt động kinh doanh bán lẻ, Walmart cung cấp các dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng tại các cửa hàng của hãng, bao gồm chuyển tiền, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ có thể nạp lại, chuyển tiền mặt bằng séc, thanh toán hóa đơn,... Walmart cũng hoạt động như một đại lý cho nhiều dịch vụ chuyển tiền, bao gồm MoneyGram, Ria và Western Union, cung cấp một số dịch vụ dưới thương hiệu của hãng như “Walmart2Walmart” và “Walmart2World.”
Tuy nhiên, FTC cho rằng Walmart cho phép thực hiện những dịch vụ chuyển tiền này nhưng không bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo thông cáo báo chí của FTC, trong đơn kiện gửi tòa án bang Illinois, ủy ban này nêu rõ nhiều năm qua, Walmart đã "làm ngơ" những hành vi bất chính lợi dụng lỗ hổng trong các dịch vụ chuyển tiền tại các cửa hàng Walmart.
FTC đề nghị tòa án yêu cầu Walmart hoàn trả tiền cho người tiêu dùng, đồng thời xử phạt dân sự đối với những vi phạm của công ty này.
[Walmart - Thành công nhờ phương châm "bán rẻ-lời nhiều"]
FTC cáo buộc Walmart cho phép thực hiện các giao dịch khả nghi mà không áp dụng chính sách chống gian lận cũng như cho phép rút một số lượng lớn tiền mặt.
Ngoài ra, đơn kiện nêu rõ Walmart không trang bị cho các khách hàng kiến thức về vấn đề chống gian lận hoặc đào tạo nhân viên tư vấn cho khách hàng về vấn đề này.
Samuel Levine, Giám đốc bộ phận bảo vệ người tiêu dùng của FTC, nêu rõ: “Trong khi những đối tượng bất chính sử dụng dịch vụ chuyển tiền để 'tẩu tán' tiền mặt, Walmart đã ngó lơ và bỏ túi hàng triệu USD phí giao dịch."
Phản ứng trước động thái này, Walmart cho rằng đơn kiện của FTC "không có cơ sở pháp lý." Tuyên bố của Walmart nêu rõ tập đoàn sẽ tiếp tục bảo vệ "các nỗ lực mạnh mẽ chống gian lận."./.