Ngày 2/11, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Nhật Bản khởi xướng kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân.
Theo hãng tin Kyodo, dự thảo nghị quyết được thông qua tại ủy ban trên với 156 phiếu thuận, 17 phiếu trắng và 3 phiếu chống.
Nghị quyết này kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về tác động của việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối với con người. Tuy nhiên, cả 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc đều không bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.
Cụ thể, Anh, Pháp và Mỹ bỏ phiếu trắng mặc dù từng tuyên bố ủng hộ sáng kiến này hồi năm ngoái, trong khi Trung Quốc, Nga bỏ phiếu chống. Triều Tiên cũng bỏ phiếu chống.
Cùng ngày, ủy ban trên cũng thông qua một nghị quyết khác kêu gọi thiết lập khuôn khổ nhằm cấm vũ khí hạt nhân. Được thông qua với 128 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 18 phiếu trắng, nghị quyết nhấn mạnh các hậu quả mà thế giới phải hứng chịu trong trường hợp xảy ra một vụ nổ hạt nhân, những nguy cơ "đe dọa an ninh nhân loại."
Đồng thời, ủy ban trên cũng hối thúc các nước chia sẻ trách nhiệm trong việc ngăn chặn sử dụng vũ khí hạt nhân. Anh, Pháp, Nga và Mỹ nằm trong số các nước bỏ phiếu chống nghị quyết này, trong khi Trung Quốc, Nhật Bản bỏ phiếu trắng.
Nga và Mỹ hiện sở hữu 90% số lượng vũ khí hạt nhân của thế giới và số lượng này đã giảm đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh thông qua các hiệp ước như Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), Hiệp ước Moscow và START mới.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 16.300 đơn vị vũ khí hạt nhân, trong đó có 4.000 đơn vị trong tình trạng sẵn sàng hoạt động, 1.800 đơn vị ở mức "cảnh báo cao"./.