Ủy ban thông tin Australia (AIC) ngày 9/3 đã khởi kiện gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook ra Tòa án Liên bang với cáo buộc nhà cung cấp mạng xã hội này vi phạm quyền riêng tư của hơn 300.000 người Australia trong vụ bê bối xoay quanh công ty phân tích dữ liệu nổi tiếng của Anh Cambridge Analytica.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Ủy ban Thông tin Australia (AIC) đã đưa ra các cáo buộc liên quan đến ứng dụng đố vui về tính cách “Đây là cuộc sống số của bạn” (This is Your Digital Life), ứng dụng chia sẻ dữ liệu cho Cambridge Analytica.
Trong một tuyên bố, Ủy viên AIC Angelene Falk cho rằng hành động trên của Facebook đã khiến dữ liệu cá nhân của khoảng 311.127 người Australia dùng Facebook bị tiết lộ, bán và sử dụng cho các mục đích bao gồm xây dựng hồ sơ chính trị, không đúng như mong muốn của họ.
Ứng dụng "This is Your Digital Life" có thể thu thập không chỉ dữ liệu của những người tải xuống mà còn cả bạn bè của họ trên mạng Facebook.
[Facebook bị cáo buộc tiết lộ dữ liệu sức khỏe nhạy cảm trong các nhóm]
Mặc dù chỉ có khoảng 53 người Australia đã cài đặt ứng dụng, nhưng theo AIC, dữ liệu của hơn 300.000 người Australia cũng được truy cập.
AIC cho rằng Facebook tiết lộ bất hợp pháp thông tin cá nhân của người Australia khi chia sẻ dữ liệu của họ cho ứng dụng trên trong các năm 2014 và 2015.
AIC tuyên bố cài đặt mặc định của Facebook đã tạo điều kiện cho việc tiết lộ thông tin cá nhân, bao gồm cả thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền riêng tư.
Như vậy, Facebook đã vi phạm luật riêng tư khi không thực hiện các bước hợp lý để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng khỏi bị tiết lộ trái phép.
Ông Falk khẳng định tất cả các thực thể hoạt động tại Australia phải minh bạch và chịu trách nhiệm về cách xử lý thông tin cá nhân phù hợp với nghĩa vụ của họ theo quy định của luật riêng tư.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn của Facebook cho biết công ty "tích cực hợp tác" với Văn phòng Ủy ban Thông tin Australia (OAIC) trong quá trình điều tra.
Theo luật định, Tòa án liên bang Australia có thể phạt tiền tới 1,7 triệu AUD (1,1 triệu USD) đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư.
Năm 2018, Cambridge Analytica đã gây chú ý trên toàn cầu sau khi các lãnh đạo công ty tuyên bố sử dụng thông tin "tâm lý và chính trị" được thu thập trên Facebook cho các hoạt động quảng cáo chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Cũng trong năm này, Facebook đã bị cơ quan bảo vệ dữ liệu của Anh phạt 500.000 bảng Anh trong vụ bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica. Công ty này cũng đã phải nộp 5 tỷ USD tiền phạt tại Mỹ vì hành vi "lừa dối" người dùng về khả năng kiểm soát thông tin cá nhân của công ty, sau cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ./.