Ủy ban quốc tế về đại dương (GOC) ngày 30/6 đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngừng tài trợ cho các hoạt động đánh bắt xa bờ.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại cuộc họp báo ở Brussels chiều 30/6 dưới sự điều hành của đồng chủ tịch GOC Trevor Manuel và José Maria Figueres, ủy viên châu Âu phụ trách đánh bắt cá Maria Damanaki đã kêu gọi các quốc gia EU hưởng ứng đề xuất này của (GOC).
Bà Maria Damanaki cho biết nhằm chống lại việc khai thác quá mức nguồn hải sản tự nhiên, chính sách thủy sản chung mới đã chấm dứt việc tài trợ để bảo vệ đại dương.
Dữ liệu mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy trong năm 2013, khoảng 1 tỷ euro được tài trợ cho đánh bắt xa bờ trong toàn EU chủ yếu thông qua miễn giảm thuế nhiên liệu.
Theo GOC, hiện có 10 quốc gia EU vẫn còn cung cấp tài chính cho đánh bắt xa bờ trong đó có Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Anh bên cạnh các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.
Nhấn mạnh về điều này, Chủ tịch GOC Trevor Manuel cho biết không có tài trợ, các đội tàu sẽ không thể ra khơi xa đánh bắt nơi mà các hoạt động không thể kiểm soát.
Điều này đe dọa việc bảo tồn đại dương và bất công trong việc phân chia nguồn lợi đại dương.
Trong kế hoạch 5 năm cứu đại dương thế giới trình bày tại Liên hợp quốc hôm 24/6 vừa qua, GOC ủng hộ tăng cường phòng chống đánh bắt cá trái phép, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác dầu khí trên biển, chấm dứt sử dụng túi nhựa và thiết lập việc truy xuất nguồn gốc hải sản.
Theo GOC, thách thức hiện nay là thiết lập việc quản lý thực sự các vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào và không được quản lý mặc dù Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (CNUDM) quy định việc kiểm soát quốc tế.
Về phần mình, bà Damanaki khẳng định EC ủng hộ xem xét lại các quy định quốc tế nhằm đảm bảo vùng biển khơi xa không phải là "vùng đất không có người hợp pháp" quản lý./.
(Vietnam+)