Sáng 18/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung bởi Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Nội quy cần được sửa đổi, thay thế các điều, khoản không còn phù hợp hoặc bổ sung các quy định mới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Hơn nữa, Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể về: trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định một số vấn đề quan trọng; nguyên tắc, cách thức điều hành các phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban tổ chức tại kỳ họp Quốc hội, xem xét, quyết định và điều chỉnh chương trình kỳ họp Quốc hội…
Phạm vi điều chỉnh của Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định về thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục cụ thể trong các quy trình thực hiện tại kỳ họp Quốc hội.
Dự thảo Nội quy dành 1 điều (Điều 53) quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.
Dự thảo Nội quy về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 3 chương với 53 điều; trong đó 23 Điều được bổ sung, 29 Điều được sửa đổi và 1 Điều được kế thừa nguyên văn như quy định hiện hành; đồng thời bỏ một số điều của nội quy hiện hành vì đã được quy định vào Luật tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết khác có liên quan hoặc không còn phù hợp với quy định mới về thẩm quyền của Quốc hội.
Qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, góp phần bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp ngày càng chất lượng, hiệu quả… Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà lại dự thảo Nội quy, đối với những quy trình, thủ tục đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, chỉ quy định dẫn chiếu, không nên quy định lại trong Nội quy.
Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật tán thành với bố cục của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên có một số ý kiến đề nghị bố cục lại Chương III của dự thảo Nội quy kỳ họp theo hướng chia thành các mục về quyết định các vấn đề về nhân sự; xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát, chất vấn; quyết định các vấn khác…
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc bổ sung quy định về họp trù bị để thông qua chương trình kỳ họp và quy định rõ thời điểm khai mạc kỳ họp Quốc hội nhằm tăng tính chủ động trong việc chuẩn bị kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí và thực hiện chương trình kỳ họp.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc để quy định xử lý được cả trường hợp Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường gần với thời gian họp thường kỳ của Quốc hội hoặc trường hợp Quốc hội xem xét việc tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề; trong trường hợp như vậy cần thiết phải có sự điều chỉnh về thời gian tổ chức phiên họp thường kỳ…
Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định rõ trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặc tại các phiên họp, gửi văn bản nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định như trong dự thảo.
Thảo luận về quy định tuyên thệ trong Nội quy kỳ họp Quốc hội (Điều 18,29,30), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đề nghị trong dự thảo Nội quy cần quy định rõ hơn về nghi thức tuyên thệ để thể hiện sự trang trọng, uy nghiêm, thiêng liêng, tạo niềm tin cho nhân dân.
Cũng đồng tình với việc cần thiết quy định cụ thể về quy trình tổ chức tuyên thệ, đảm bảo sự uy nghiêm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng dự thảo cần có quy định cụ thể về nội dung tuyên thệ (quy định phần nội dung cứng, bắt buộc phải có trong lời tuyên thệ); quy định về nghi thức tuyên thệ phải cụ thể, trang trọng.
Quy định về chất vấn được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay. Đại biểu Lê Minh Thông, Nguyễn Sỹ Cương mong muốn chất vấn trực tiếp tại hội trường, không gửi câu hỏi trước đến bộ trưởng, trưởng ngành.
Theo đại biểu việc chất vấn trực tiếp sẽ tăng cường hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị trong chất vấn phải làm rõ đến cùng vấn đề được chất vấn; có những vấn đề liên quan tới nhiều bộ, ngành cần sự tham gia trả lời liên ngành…
Đại biểu Lê Minh Thông thể hiện sự băn khoăn bởi vai trò của hội đồng và các ủy ban của Quốc hội chỉ thể hiện rõ ở giữa 2 kỳ họp của Quốc hội, trong kỳ họp, hạn chế, mờ nhạt. Đại biểu đề nghị cần tăng cường hoạt động của hội đồng và các ủy ban của Quốc hội ngay trong kỳ họp quốc hội, bên cạnh việc họp đoàn, họp tổ đại biểu Quốc hội đang diễn ra…
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 41 đang diễn ra, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 10 sắp tới./.