Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh giải trình về kết quả đầu tư công

Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách thành phố là 302.839,6 tỷ đồng.
Quang cảnh phiên họp giải trình. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh khi giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên họp Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố diễn ra ngày 24/8.

Nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đầu tư công trên địa bàn trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ tăng cường, thường xuyên đôn đốc chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức hiệu quả các Hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, thành phố triển khai linh hoạt điều hành kế hoạch vốn; thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hàng năm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của thành phố và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

[Có tới 27 Bộ và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%]

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách thành phố là 302.839,6 tỷ đồng, gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 06 dự án nhóm A.

Giai đoạn 2021-2025, số công trình, dự án chuyển tiếp, các công trình, dự án triển khai mới, các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố (142.557 tỷ đồng), trong đó đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Ủy ban Nhân dân thành phố đã trình Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.

Tính riêng trong năm 2022 (đến hết 31/7/2022), tổng vốn giải ngân đầu tư công là hơn 8.472 tỷ đồng, đạt 26,5% tổng kế hoạch vốn được giao (hơn 31.000 tỷ đồng), trong đó vốn cân đối ngân sách Trung ương giải ngân là 79,217 tỷ đồng, đạt 3,2% tổng vốn giao năm 2022 (hơn 2.479 tỷ đồng); vốn Trung ương trong nước giải ngân là 19,385 tỷ đồng, đạt 1,1% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 1.768 tỷ đồng); vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương giải ngân là 59,832 tỷ đồng, đạt 8,4% kế hoạch vốn giao.

Vốn cân đối ngân sách địa phương giải ngân là 8.393 tỷ đồng, đạt 28,5% tổng kế hoạch vốn giao năm 2022, trong đó vốn ODA vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ giải ngân là 1.732,978 tỷ đồng, đạt 31,8% tổng vốn giao trong năm.

Giải trình về lý do tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 không như kỳ vọng, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan cho rằng dịch COVID-19 và các yếu tố bên ngoài như xung đột quân sự, chính trị trên thế giới dẫn đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước phí hàng hóa tăng cao; việc huy động nhân lực, thiết bị phục vụ các dự án bị gián đoạn; vướng mắc về thủ tục đầu tư; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều thủ tục...

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giải trình trước Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Kết luận phiên giải trình, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nhìn chung việc triển khai thực hiện các quy định về đầu tư công trên địa bàn thành phố cho thấy hệ thống quy định pháp luật về đầu tư công đã cơ bản đảm bảo yêu cầu quản lý nước trong lĩnh vực này; công tác quản lý điều hành đầu tư công được đảm bảo về chủ trương đầu tư, phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế thành phố. Hoạt động quyết định chủ trương, lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, thẩm định và cân đối vốn; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư công ngày càng chặt chẽ, nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đánh giá của Hội đồng Nhân dân thành phố, kết quả thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến và đạt những kết quả tích cực.

Đến nay, đã có 1.078 dự án của giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết những nhu cầu bức xúc của người dân trong giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh xã hội và nâng cao đời sống của người dân thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục