Ngày 10/4, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Hậu Giang đã chúc Tết, tặng quà Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và một số chùa Khmer của tỉnh.
Chúc Tết và tặng quà tại chùa SASANATRANGSAY, ở khu vực 5, phường 4, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh đánh giá cao vai trò của các vị sư sãi, trụ trì các chùa cùng các phật tử, đồng bào Khmer tỉnh Hậu Giang đã có nhiều đóng góp trong đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống ngày một khang trang.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang, các đoàn thể trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, góp sức giúp đỡ cùng đồng bào Khmer vươn lên trong cuộc sống, duy trì và bảo tồn các giá trị truyền thống ngày càng tạo được bản sắc riêng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh Hậu Giang cần tăng cường hơn nữa vai trò, vị trí, nhiệm vụ để gặp gỡ, trao đổi với trụ trì các chùa và đồng bào Khme, không ngừng nâng cao khối đại đoàn kết, cùng chấp hành và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang cho biết, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ban ngành, đoàn thể Hậu Giang, các chùa và đồng bào Khmer trong tỉnh có cảnh quan ngày một khang trang.
Đến nay, tỉnh có 15 chùa Khmer trở thành điểm sinh hoạt quan trọng của đồng bào mỗi dịp lễ, Tết. Các cấp, ban ngành, đoàn thể Hậu Giang quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ trụ trì các chùa, đồng bào Khmer sinh sống và làm ăn ngày một tiến bộ; đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang, tỉnh có hơn 7.500 hộ với hơn 30.000 người, chiếm gần 4% so dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Khmer chiếm nhiều nhất với hơn 5.000 hộ.
Hiện nay, đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer còn khó khăn do thiếu đất ở, đất sản xuất và xa điểm dân cư. Bà con chủ yếu sống bằng nghề làm thuê, mua bán nhỏ./.