Sáng 29/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Phiên họp sẽ diễn ra trong hai ngày 29-30/8 với những nội dung: Thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong phiên họp sáng, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung trình bày Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Dự thảo Luật được bố cục thành 12 chương với 117 điều được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành đã áp dụng hiệu quả, ổn định, bao gồm: lĩnh vực đầu tư, trình tự thực hiện dự án, các loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật áp dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã nâng cấp, bổ sung một số nội dung mới, bao gồm: quy mô dự án áp dụng, phân loại dự án, hội đồng thẩm định dự án, quy trình lựa chọn nhà đầu tư (hiện đang được quy định chi tiết tại Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn), nguyên tắc áp dụng loại hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, hoạt động của doanh nghiệp dự án, quyết toán công trình dự án và cơ chế giám sát đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo quy định hiện nay, phần Nhà nước tham gia trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Phần vốn đầu tư công trong dự án cần phải được tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy trình, thủ tục của pháp luật về đầu tư công. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong công tác bố trí vốn bởi phần vốn đầu tư công trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thay đổi theo từng phương án tài chính, phân chia rủi ro và chỉ được xác định chính xác sau khi đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy, cần thiết phải thiết kế tại Luật một quy trình riêng về việc tổng hợp, cân đối, bố trí phần vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ 2 phương án: hình thành Quỹ phát triển dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các chức năng bố trí vốn Nhà nước và cấp bảo lãnh, hoặc hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (tương tự dòng riêng cho Ngân hàng Chính sách xã hội).
Theo Báo cáo của Chính phủ, thông qua mô hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cả nước đã huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư tư nhân để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng.
Các đại biểu tán thành việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là cần thiết nhằm tăng khả năng đầu tư các công trình, dịch vụ công cơ chế công. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng tính công khai, minh bạch của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là yêu cầu đầu tiên. Đặc biệt, đối tượng sử dụng dịch vụ là người dân và doanh nghiệp cần được tham vấn và giải trình các giai đoạn triển khai dự án, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư...
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã có quy định về công khai thông tin tại Điều 11, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ hơn.
[Thống nhất ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính]
Theo các đại biểu, một trong những "nút thắt" quan trọng mà trước đây còn tồn tại trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư là việc lựa chọn nhà thầu đều theo hình thức chỉ định. Trong tương lai, việc này cần được thực hiện minh bạch, chặt chẽ hơn nhằm lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, giải quyết căn cơ vấn đề nhằm đảm bảo hài hòa mối quan hệ công tư, tránh tạo ra kẽ hở về mặt pháp luật, gây khó khăn trong việc thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng nội dung chính cần quan tâm trong dự án Luật này chính là việc Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân. Có 7 loại hợp đồng khác nhau quy định tiêu chí xét chọn nhà đầu tư ở các lĩnh vực.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dự án Luật cần bổ sung những quy định lựa chọn nhà đầu tư phải kỹ càng, chứ không thể thiết kế hồ sơ mời thầu chung chung như trước.
Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất trong mối quan hệ đối tác công tư. Các dự án, dịch vụ công đáng ra Nhà nước phải đầu tư, hiện trong điều kiện hiện nay, nguồn vốn có hạn nên cần phải huy động sự đầu tư của tư nhân làm nhưng phải tuân theo quy định nhà nước theo mục tiêu là cung cấp sản phẩm và dịch vụ công.
"Tư nhân không được phép cung cấp dịch vụ công. Việc đầu tư theo phương thức đối tác công nhằm tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, đó là mục đích của việc ban hành luật," ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.
Các ý kiến cho rằng trong điều kiện ngân sách và khả năng cân đối nguồn lực bố trí cho đầu tư còn khó khăn, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút sự tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân, đối tác nước ngoài tham gia hình thức đối tác công tư rất cần thiết, góp phần làm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên Chính phủ cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách để thực hiện và đảm bảo cơ chế quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức này nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tốt.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ của cơ quan soạn thảo; khẳng định sự cần thiết ban hành luật và cho biết dự thảo đã đủ điều để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Cho rằng nội dung dự thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề người dân quan tâm, tuy nhiên ông Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo cần để ý loại bỏ những điều đã được quy định trong các luật khác, tránh trùng lặp. Bên cạnh đó, cũng cần thảo luận, xin ý kiến các cơ quan liên quan nhằm làm rõ vai trò giữa nhà nước và tư nhân trong quá trình đầu tư, những quy định về thủ tục, hợp đồng, cơ chế góp vốn... liên quan đến nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến cơ chế chính sách của nước ta, vì vậy dự thảo cần có những quy định rõ về vấn đề này," ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ./.