Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan

Ngày 14/5, Hội hữu nghị Mông Cổ-Việt Nam và Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bày tỏ sự lên án mạnh mẽ hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc.
Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ảnh 1Trung Quốc huy động rất nhiều tàu lớn với chiến thuật dàn hàng ngang để bảo vệ việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển của Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam) 

Về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu đi cùng, trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa, gây nên tình hình hết sức căng thẳng ở Biển Đông, ngày 14/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa nhận Tuyên bố của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bày tỏ sự lên án mạnh mẽ hành động xâm phạm này của Trung Quốc.

Nội dung Tuyên bố của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi lấy làm tiếc và rất quan ngại khi biết rằng: 'Ngày 02 tháng 5 năm 2014, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút vĩ độ bắc, 111 độ 12 phút kinh độ đông cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc còn huy động hơn 80 tàu, trong đó có cả tàu quân sự và máy bay hộ tống giàn khoan. Các tàu Trung Quốc đã liên tục có hành động uy hiếp và tấn công các tàu Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về vật chất và làm nhiều người bị thương.”

Theo Tuyên bố, hành động như vậy của Trung Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chủ quyền của Việt Nam; mà còn đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hành động này cũng đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, cũng như các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung về các vấn đề trên biển.

Chắn chắn rằng những hành động như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ nhân dân, tình đoàn kết và hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, các phong trào hòa bình trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh đó đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tuyên bố nêu rõ: Trong khi mạnh mẽ lên án hành động xâm phạm này của Trung Quốc, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc kiềm chế và tiến hành đàm phán tuân thủ các luật pháp quốc tế. Hòa bình trong khu vực châu Á đang bị đe dọa và vì vậy tất cả các lực lượng yêu hòa bình cần đoàn kết và kiên quyết lên án hành vi xâm phạm đó của Trung Quốc.

Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam nên tận dụng tất cả các nền tảng có sẵn để thông báo cho cộng đồng toàn cầu về tình hình này và đảm bảo rằng hòa bình trong khu vực không bị ảnh hưởng và công lý cho Việt Nam được thực thi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục