Ngày 16/6, Bồ Đào Nha đã trở thành nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên có kế hoạch phục hồi được Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn.
Theo đó, Bồ Đào Nha sẽ nhận được 13,9 tỷ euro trợ cấp và 2,7 tỷ euro dưới dạng khoản vay từ EU cho đến năm 2026 để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số và xanh hơn. Khoản ngân sách này nằm trong gói cứu trợ phục hồi sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro của EU và có thể bắt đầu được giải ngân từ tháng 7/2021.
Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen đánh giá bản kế hoạch của Bồ Đào Nha đã đáp ứng rõ ràng các tiêu chí đề ra, do đó, EC đã quyết định "bật đèn xanh" cho kế hoạch phục hồi trị giá 16,6 tỷ euro của quốc gia thành viên này. Bà đánh giá những kế hoạch cải cách và đầu tư của Bồ Đào Nha sẽ hỗ trợ nước này trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, giúp nước này có sự linh hoạt hơn và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
[Anh cảnh báo thỏa thuận Brexit đe dọa hòa bình ở Bắc Ireland]
Trong tháng 4/2021, Bồ Đào Nha là nước EU đầu tiên trình lên EC kế hoạch phục hồi, với hy vọng GDP của nước này sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2025 so với khi trường hợp không có kế hoạch này.
Năm 2020, kinh tế Bồ Đào Nha vốn phụ thuộc vào ngành du lịch, đã suy giảm 7,6% và rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1936. Trong bản kế hoạch đề trình EC, Bồ Đào Nha dự kiến giải ngân khoảng 5 tỷ euro cho các doanh nghiệp nhằm củng cố hoạt động thanh khoản, hỗ trợ đầu tư cho các dự án thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng sạch,... Ngoài ra, Lisbon cũng sẽ phân bổ đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực y tế, nhà ở xã hội và cơ sở hạ tầng.
Chính phủ Bồ Đào Nha dự báo kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 4% trong năm nay, trong khi đó, ngân hàng trung ương nước này nâng dự báo tăng trưởng từ mức 3,9% lên 4,8%, kỳ vọng vào hoạt động đầu tư sẽ tăng trưởng mạnh nhờ quỹ phục hồi của châu Âu./.