Những bất ổn gia tăng trong thương mại toàn cầu, căng thẳng địa chính tại các điểm nóng ở Trung Đông và châu Á cùng với đà suy giảm kinh tế ở một số nền kinh tế phát triển, Trung Quốc và các thị trường mới nổi là những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 không mấy khả quan.
Đây là những nội dung chính được đề cập trong báo cáo mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) về kinh tế thế giới.
Báo cáo cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (không gồm EU) dự kiến sẽ sụt giảm mạnh từ 3,8% năm 2018 xuống còn 3,2% trong năm nay trước khi tăng nhẹ trở lại vào các năm sau.
EC nhận định các gói kích thích kinh tế ở một số nước lớn về cơ bản đã ngăn chặn được nguy cơ tăng trưởng GDP giảm sâu hơn. Tuy nhiên, hiệu quả của kích thích kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện tại lại không chắc chắn.
Ngoài ra, tình trạng gia tăng căng thẳng và sự bất ổn về chính sách thương mại nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra những thiệt hại lâu dài cho hoạt động thương mại thế giới, xuất phát từ việc các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và xem xét lại các thỏa thuận cung ứng của họ cũng như các chuỗi giá trị toàn cầu liên quan trong bối cảnh hợp tác đa phương suy yếu.
Hậu quả là nhu cầu về hàng hóa, đầu tư, phát triển mạnh hội nhập thương mại đã giảm xuống. Sự giảm tốc của kinh tế Mỹ phần lớn là do chu kỳ kinh tế lên tới đỉnh. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn do già hóa dân số, nợ công cao và tái cân bằng đầu tư quá mức.
[Khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Horasis 2019]
Căng thẳng thương mại, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá cả hàng hóa thấp là các nguyên nhân kiềm chế các nền kinh tế thị trường đang nổi nhanh chóng phục hồi.
Trong báo cáo, EC dự báo tăng trưởng nhập khẩu thế giới (không kể EU) giảm từ 4,1% trong năm 2018 xuống còn 0,4% trong năm 2019 trước khi tăng lên mức 2,1% và 2,5% lần lượt vào năm 2020 và 2021.
Căn cứ vào các yếu tố như sự thiếu ổn định trong chính sách thương mại của Mỹ, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cùng với các yếu tố mang tính cấu trúc như già hóa dân số và năng suất thấp, sự suy giảm ở Trung Quốc, xu hướng bảo hộ và tác động của biến đổi khí hậu, EC dự báo kinh tế toàn cầu (trừ EU) nhìn chung tăng lần lượt 3,3% và 3,4% vào năm 2020 và 2021.
Trước nhu cầu yếu của một số nền kinh tế chủ chốt, tăng trưởng nhập khẩu của kinh tế thế giới (không kể EU) dự kiến giảm mạnh xuống 0,4% trong năm nay từ mức 4,1% trong năm 2018 và tăng lên khoảng 2% vào năm 2020, trước khi tăng lên mức 2,5% vào năm 2021.
Về tình hình kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và EU, EC cho rằng nền kinh tế EU, vốn đã chậm lại trong quý 2/2019, dường như không có khả năng phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn khởi sắc và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức trước khủng hoảng, thúc đẩy tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, tạo đà cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hơn nữa, một số quốc gia thành viên đã triển khai các biện pháp tài khóa khuyến khích tăng trưởng, GDP sẽ tiếp tục tăng ở tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố này dường như không đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lên mức hơn trong năm nay.
Một Brexit (Anh rời EU) trong hỗn loạn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở Anh, và tại 27 nước EU còn lại, dù chỉ ở một mức độ nhỏ.
Báo cáo của EC chỉ rõ tăng trưởng GDP tại Eurozone được dự báo giảm từ 1,9% năm 2018 xuống mức 1,1% trong năm 2019 và ổn định ở mức 1,2% trong hai năm tới. Tỷ lệ lạm phát năm nay và năm sau xuống mức 1,2%, sau đó tăng nhẹ lên mức 1,3% vào năm 2021.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm nhẹ từ mức 7,6% năm 2019 xuống còn 7,3% vào năm 2021./.