Ủy ban châu Âu kêu gọi không để lặp lại cuộc khủng hoảng di cư

Việc các nước EU trong tuần này đã nhất trí về kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn hậu COVID-19 đã mở đường cho việc xúc tiến giải quyết các vấn đề khác, trong đó có vấn đề người nhập cư trái phép.
Lực lượng cứu hộ trợ giúp người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Lesbos, Hy Lạp tháng 9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu không thể để lặp lại cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015-2016 khi hàng triệu người chạy trốn khỏi chiến tranh, xung đột, khủng bố và đói nghèo để tìm đường tới Lục địa già.

Lời kêu gọi trên được Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas đưa ra ngày 23/7 trong bối cảnh vấn đề di cư vẫn đang gây ra sự chia rẽ chính trị trong Liên minh châu Âu (EU) khi một số nước ở Khu vực tự do đi lại Schengen dựng hàng rào và tái áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị cấp bộ trưởng của 18 nước thành viên EU và Tây Balkan diễn ra ở Vienna (Áo), ông Schinas nhấn mạnh: "Châu Âu không thể thất bại lần nữa trong vấn đề di cư."

[130.000 người di cư đang ở Balkan, châu Âu tăng cường bảo vệ biên giới]

Theo ông Schinas, việc các nước EU trong tuần này đã nhất trí về kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã mở đường cho việc xúc tiến giải quyết các vấn đề khác, trong đó có vấn đề người nhập cư trái phép.

Trước đó, tại hội nghị kéo dài 2 ngày, các bộ trưởng đã quyết định thiết lập một "nền tảng phối hợp" nhằm thúc đẩy việc trao đổi thông tin giữa các nước thành viên EU và những nước ở Tây Balkan về vấn đề di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, bày tỏ hy vọng nền tảng mới này sẽ đóng vai trò như một dạng "hệ thống cảnh báo sớm" nhằm xác định thời điểm cần triển khai các biện pháp bổ sung để giải quyết vấn đề di cư.

Người di cư và tị nạn tại khu vực biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh:THX/TTXVN)

Ông Seehofer cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thắt chặt các quy trình, thủ tục để có thể xác định trường hợp nào đủ điều kiện xin quy chế tị nạn ngay tại khu vực biên giới ngoài EU.

Đức từ lâu đã nỗ lực thúc đẩy áp đặt một quy chế phân bổ hạn ngạch để bắt buộc 27 nước thành viên EU tiếp nhận một lượng người di cư tại các nước Italy, Hy Lạp hay Malta - điểm đến đầu tiên của những người tị nạn, song nhiều quốc gia lại từ chối tiếp và không muốn nhận bất cứ người di cư được giải cứu nào.

Triển vọng đạt được một thỏa thuận về vấn đề di cư vẫn mờ mịt khi ngay trước thềm hội nghị, các đại diện của Hy Lạp nhấn mạnh họ và các nước Nam Âu muốn thảo luận về việc phân bổ bắt buộc lượng người tị nạn trên khắp châu Âu, trong khi các nước như Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia lại kịch liệt phản đối.

Đã có nhiều người di cư chủ yếu từ các nước châu Phi được giải cứu khi đang lênh đênh trên những con thuyền đánh cá xập xệ hay xuồng cao su trên Địa Trung Hải tới châu Âu để chạy trốn khỏi xung đột, nghèo đói và dịch bệnh.

Năm 2015, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn. Khi đó, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của EU đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người di cư nhất định.

Trong khi các nước có tiềm lực kinh tế như Đức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước Đông Âu như Hungary, Slovakia chỉ nhận khoảng 1-2%.

Dù việc phân chia này được EU thông qua theo đa số từ năm 2015, nhưng kế hoạch phân bổ trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Đông Âu, trong đó có Cộng hòa Séc, Slovakia, Romania và Hungary.

Nhóm 4 nước trên luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục