Ngày 2/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một chương trình bảo vệ tạm thời cho những người rời khỏi Ukraine tránh xung đột, bao gồm việc cấp giấy phép cư trú, tiếp cận việc làm và phúc lợi xã hội tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
EC cho biết hơn 650.000 người đã rời Ukraine đến các nước láng giềng là thành viên của EU kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phát biểu trên đài phát thanh tư nhân Zet ngày 2/3, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker cho biết hơn 450.000 người từ Ukraine đã vào Ba Lan kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự.
Nhằm ứng phó với tình trạng người tị nạn ồ ạt đổ đến các nước EU, dự luật mới trên sẽ được áp dụng ở tất cả các quốc gia thành viên EU. Các bộ trưởng nội vụ EU sẽ thảo luận vấn đề này trong ngày 3/3.
Nếu được thông qua, việc bảo vệ tạm thời sẽ ngay lập tức bắt đầu được áp dụng cho những người tị nạn Ukraine trong 1 năm và có thể kéo dài tới 3 năm, nếu tình hình không cải thiện để người dân Ukraine có thể trở về và cơ chế này có thể kết thúc.
[LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu]
Cùng ngày, Hy Lạp thông báo phát động chiến dịch sơ tán các nhà ngoại giao, nhà báo và công dân nước này rời khỏi thành phố Mariupol của Ukraine.
Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Hy Lạp cho biết một đoàn xe ôtô sẽ di chuyển về phía Tây dưới sự đảm bảo an toàn của Nga, đón những người từ các thành phố khác như Dnipro và Zaporizhzhia.
Ngày 24/2 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo đề nghị của lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Donesk tự xưng ở vùng Donbass. Ông Putin khẳng định kế hoạch của Nga không bao gồm chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine.
Phản ứng trước động thái này, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và một số quốc gia khác đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga./.