Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chính thức đi vào hoạt động

Bộ trưởng Công Thương đề nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tố tụng cạnh tranh và quản lý Nhà nước về cạnh tranh, kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế.
Ra mắt và đi vào hoạt động Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng nay (29/3), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị nghị triển khai Nghị định 03/2023/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác cán bộ của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia.

Theo Nghị định 03, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

[Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia]

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặc biệt nhấn mạnh tới việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ủy ban, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tố tụng cạnh tranh và quản lý Nhà nước về cạnh tranh, kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế, đặc biệt là các hoạt động sáp nhập, mua lại các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế để bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và góp phần nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức và ý thức phòng ngừa trước các biểu hiện của kinh doanh đa cấp bất hợp pháp…

Ông Lê Triệu Dũng (bên trái) được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo định hướng công tác mà Bộ trưởng đã đề ra cho Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là tập trung xây dựng kế hoạch hành động Chương trình công tác, Quy chế hoạt động cụ thể để có thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo kỷ cương, nề nếp làm việc ngay từ những ngày đầu hoạt động./.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về tố tụng cạnh tranh; Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tiếp nhận, thụ lý hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, thẩm định, quyết định về việc tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, tiếp nhận, thụ lý, thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật. Giám sát, phát hiện, xác minh và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định liên quan đến hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường của cơ quan Nhà nước và các hành vi bị nghiêm cấm khác có liên quan đến cạnh tranh của tổ chức, cá nhân.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của pháp luật. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục