Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là cuộc tổng tuyển cử Thái Lan sẽ diễn ra, nhưng Ủy ban bầu cử quốc gia, nơi chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tổng tuyển cử, dường như lại không muốn nó xảy ra.
Các thành viên của cơ quan này đã đặt ra hàng loạt lý do để trì hoãn việc tổ chức bầu cử.
Họ liên tục đề nghị được gặp riêng Thủ tướng Yingluck Shinawatra để bàn về vấn đề này trong khi lại từ chối tham dự một diễn đàn bàn về đề xuất hoãn bầu cử của chính phủ.
Câu hỏi hiện nay là liệu có nên hoãn cuộc tổng tuyển cử này hay không và nếu phải hoãn thì ai sẽ được quyền làm điều đó và sẽ thực hiện như thế nào?
Ngay sau khi nhậm chức vào giữa tháng 12/2013, Ủy ban bầu cử đã từng đề xuất hoãn cuộc bỏ phiếu này. Một số thành viên thậm chí còn dọa sẽ thực hiện quyền cá nhân của họ là từ chức để tạo ra một khoảng trống. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra.
Khi việc đăng ký ứng cử viên ở Bangkok cũng như ở các tỉnh khác bị người biểu tình cản trở, Ủy ban bầu cử đã từ chối cho phép thay đổi địa điểm bất chấp việc có dự báo về điều này. Kết quả là nhiều khu vực ở miền Nam không thể có ứng cử viên và Ủy ban bầu cử quốc gia đã dựa vào lý do này để tìm cách hoãn bầu cử một lần nữa.
Theo Hiến pháp Thái Lan, Hạ viện gồm 500 ghế phải tổ chức phiên họp đầu tiên gồm 475 nghị sỹ (khoảng 95%) để bắt đầu chính thức hoạt động.
Văn phòng tổng kiểm toán nhà nước đã gợi ý hoãn bầu cử với lý do rằng 3,8 tỷ baht chi cho cuộc bầu cử này sẽ "đổ xuống sông, xuống biển" bởi khả năng sẽ lại phải tổ chức một cuộc bầu cử sau đó.
Dựa trên lý do này, Ủy ban bầu cử quốc gia lại tiếp tục đề nghị hoãn, với gợi ý đề nghị ra một sắc lệnh của Hoàng gia Thái Lan về vấn đề này. Tuy nhiên, một lần nữa họ lại không thể xác định được bất kỳ phương tiện pháp lý nào khác có thể cho phép tổ chức cuộc bầu cử mới.
Các thành viên Ủy ban bầu cử luôn từ chối nói rõ lý do đằng sau đề xuất hoãn bầu cử mà chỉ tìm cách tổ chức một cuộc gặp riêng với Thủ tướng Yingluck để bàn về việc này.
Theo Hiến pháp, nhiệm vụ chính của Ủy ban này là tổ chức tổng tuyển cử một cách công bằng và tự do. Nhưng tại sao họ lại luôn muốn bầu cử bị hoãn lại?
Một số thành viên Ủy ban bầu cử cũ đã bày tỏ sự không đồng tình với những đồng nghiệp hiện nay khi nói rằng ủy ban này nên đứng trung lập và tập trung vào nhiệm vụ của họ.
Trường hợp họ không thể giữ được tính trung lập và muốn hoãn bầu cử thì ba trong số năm người có thể từ chức để ủy ban này không thể thực hiện được nhiệm vụ. Hiện tại, cả năm thành viên đều vẫn tại vị, khiến người ta nghi ngờ về những đề xuất của họ.
Chính phủ Thái Lan dường như không dễ rơi vào "bẫy" của Ủy ban bầu cử. Họ đã tổ chức một diễn đàn công khai để bàn về đề xuất của ủy ban này và rất tiếc là các thành viên của Ủy ban bầu cử lại không tham dự, với lý do chỉ muốn gặp riêng Thủ tướng.
Tại diễn đàn này, đa số các thành phần tham dự đều ủng hộ tổ chức bầu cử. Có người còn đặt câu hỏi về mục đích đằng sau của ủy ban này khi mong muốn hoãn cuộc bầu cử.
Rõ ràng những người mong muốn cuộc bầu cử diễn ra vào 2/2 đang phải đấu tranh không chỉ với Phong trào biểu tình của ông Suthep Thaugsuban mà còn phải đối mặt với khó khăn đến từ chính cơ quan thực hiện nhiệm vụ tổ chức tổng tuyển cử./.