Ngày 7/7, Ủy ban Bầu cử (EC) của Thái Lan đã bày tỏ quan ngại về khả năng cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp sắp tới sẽ thấp, điều được cho là sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín chính quyền quân sự và bản hiến pháp mới của Đông Nam Á.
Theo Ủy viên EC, ông Sawaeng Boonmee, cho đến ngày 7/7 - ngày cuối cùng để khoảng 20 triệu người đang không sinh sống ở nơi cư trú chính thức làm thủ tục đăng ký ghi danh bỏ phiếu, chỉ có khoảng 230.000 người, tức là khoảng 1% bộ phận cử tri này, hoàn thành thủ tục đăng ký.
Ông Boonmee nói: “Điều này có nghĩa là những người không sống ở khu vực bỏ phiếu của họ mà có tên trong danh sách cử tri không quan tâm lắm đến việc đi bỏ phiếu.”
Bên cạnh nguy cơ có hàng triệu người sẽ không trở về nơi cư trú chính thức để bỏ phiếu vào ngày 7/8 tới, các tổ chức xã hội dân sự hồi đầu tuần này còn cảnh báo rằng vẫn còn rất nhiều người dân thậm chí không biết khi nào, trưng cầu dân ý và trưng cầu dân ý về vấn đề gì.
Theo một thăm dò của tổ chức iLaw, có đến 70% người được hỏi không biết trưng cầu dân ý vào ngày nào và có đến 90% không biết là có câu hỏi về việc chỉ định Thượng viện có quyền tham gia bầu Thủ tướng.
Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu thấp là hiện tượng có tính lịch sử tại Thái Lan.
Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2006 cũng về bản dự thảo hiến pháp mới, trong số 45,89 triệu cử tri đủ tư cách chỉ có khoảng 25,98 triệu người tham gia bỏ phiếu trong khi có đến 19,11 triệu không thực hiện quyền công dân này.
Cũng trong cuộc bỏ phiếu đó, có khoảng 14,25 triệu cử tri chấp nhận hiến pháp mới và 10,42 triệu người bác bỏ./.