Chiều 6/9, tiếp tục chương trình Hội nghị Toàn quốc lần thứ nhất Triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV, đại diện các bộ ngành, đại biểu Quốc hội đánh giá việc triển khai thực hiện các luật, nghị quyết cùng nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp quan trọng, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Về tình hình tổ chức triển khai và chuẩn bị tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội giao nói chung và các luật, nghị quyết của Quốc hội nói riêng diễn ra trong bối cảnh trong nước, quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường...
Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, tổ chức thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp quan trọng, góp phần vào việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo đời sống cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với nhiệm vụ tổ chức triển khai các luật và nghị quyết của Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao trên cơ sở bám sát yêu cầu của nhiệm vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành 4 luật và 10 nghị quyết trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Các văn bản nói trên đã góp phần thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, tiếp tục hoàn thiện một bước cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch, thống kê, đấu thầu, kinh tế tập thể, môi trường đầu tư, kinh doanh; phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù ở một số địa phương nhằm tạo đột phá thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương được thí điểm.
Về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện của Chính phủ, theo đó đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 thành những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, có sự phân công cụ thể nhằm khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện.
[Hội nghị toàn quốc lần đầu về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội]
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp được cụ thể hóa trong đó nhấn mạnh: ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng...; đầu tư các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao cho toàn vùng...; xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp việc huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên...
Thực hiện Nghị quyết 93/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án; tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra nhằm đạt mục tiêu giải ngân năm 2023 đã đề ra là 95% kế hoạch.
Để các chính sách đi vào cuộc sống
Tại hội nghị, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đánh giá cao việc tổ chức hội nghị hôm nay, thể hiện tinh thần đồng hành cùng Chính phủ trong việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội để các văn bản này đi vào cuộc sống...
Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đất nước ta gặp nhiều khó khăn do COVID-19, ảnh hưởng đến hoạt động của Quốc hội. Mặc dù trong bối cảnh như vậy, Quốc hội cũng ban hành được một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị quyết 30, Nghị quyết 43, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... Các bộ, ngành địa phương thực hiện rất nghiêm túc các luật, nghị quyết mà Quốc hội ban hành...
Bên cạnh đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm, rà soát hơn nữa việc sửa đổi các văn bản pháp luật trong thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế cho người dân, doanh nghiệp.
Để khơi thông và phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh, thành phố có chính sách đặc thù, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất, các bộ ngành có liên quan cần sát sao hơn nữa cùng với các địa phương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, để các chính sách thí điểm mà Quốc hội ban hành cho các địa phương này sớm đi vào thực tiễn./.