Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi trong nhiệm kỳ mới

Trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPOI) của Ấn Độ có thể thu hút được sự chú ý nhiều hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên thệ nhậm chức tại thủ đô New Delhi ngày 9/6. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới tại Phủ Tổng thống (Rashtrapati Bhawan) ở thủ đô New Delhi tối 9/6.

Ông Modi trở thành người thứ hai, sau cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru, được bầu giữ chức Thủ tướng 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Giáo sư Prabir De của Hệ thống thông tin và nghiên cứu về các nước đang phát triển (RIS) thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhận định một số ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Modi.

Giáo sư Prabir De cho rằng các nước láng giềng tiếp tục là ưu tiên số một của Chính phủ Ấn Độ. Việc các nhà lãnh đạo Nam Á được mời tham dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Modi thể hiện cam kết của chính phủ đối với chính sách “Láng giềng trên hết."

Giáo sư Prabir De nhận định chính phủ trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPOI) của Ấn Độ có thể thu hút được sự chú ý nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục tích cực tham gia “Khuôn khổ hợp tác Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng” (IPEF) và các chương trình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.

Năm 2024 kỷ niệm 10 năm “Chính sách Hành động hướng Đông” (AEP) thay thế "Chính sách hướng Đông" (LEP), đặt nền móng cho cam kết của Ấn Độ với phương Đông.

Giáo sư Prabir De cho rằng trong những tháng đầu tiên nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi, chính quyền sẽ phải đưa ra chương trình nghị sự AEP mới.

Mối quan hệ đối tác với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với các nước láng giềng trên bộ và trên biển của Ấn Độ, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ có được sức mạnh lâu dài.

Chuyên gia trên cũng nhận định mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Mỹ cũng sẽ là một ưu tiên trong nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng Modi.

Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục ký kết các Hiệp định tự do thương mại (FTA) mới và muốn ký kết hiệp định này với Anh, Liên minh châu Âu (EU), Bangladesh, cùng nhiều nước khác. Bên cạnh đó, việc rà soát các FTA sẽ phải được hoàn tất, trong đó có FTA với ASEAN.

Theo ông Prabir De, hội nhập khu vực như “Sáng kiến hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành vịnh Bengal” (BIMSTEC) sẽ chứng kiến tốc độ cao hơn. Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC lần thứ 6 dự kiến diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 9 và đây có thể là hội nghị thượng đỉnh nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Modi tham dự trong nhiệm kỳ 3. BIMSTEC có thể sẽ kết nạp 3 thành viên mới gồm Malaysia, Indonesia và Singapore.

Bên cạnh đó, Trung Đông vẫn là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, mang lại cả lợi ích kinh tế lẫn địa chiến lược. Ấn Độ sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo an ninh và cân bằng chính trị ở Trung Đông và các nơi khác.

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ cũng như việc phong tỏa kênh đào Suez đang ảnh hưởng nặng nề đến thương mại của Ấn Độ. Rõ ràng, hòa bình ở Trung Đông rất quan trọng đối với thương mại và kết nối của Ấn Độ.

Chuyên gia nhận định Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC) là một giải pháp thay thế khả thi để tránh Eo biển Bab El-Mandab - vốn là điểm nghẽn chính trong giao thông hàng hải.

Theo Giáo sư Prabir De, trong nhiệm kỳ 3, Thủ tướng Modi sẽ đảm bảo hành lang IMEC phát triển nhanh chóng. Các hiệp định thương mại song phương như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay các sáng kiến như Nhóm Bộ tứ Tây Á (I2U2) và IMEC sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc đảm bảo lợi ích chiến lược của Ấn Độ trên mặt trận phía Tây.

Việc nâng cao tiếng nói toàn cầu hơn nữa sẽ giúp Ấn Độ giảm thiểu rủi ro khủng hoảng đối với nước này cũng như đối với các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục