Ngày 4/9, tại Trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã kiểm tra công tác dự báo diễn biến bão số 3 và các tác động của bão.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn La Đức Dũng, ngay từ khi vùng áp thấp xuất hiện ngoài khơi Philippines, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến từ khi có dấu hiệu cho đến khi vùng áp thấp phát triển thành bão.
Để đôn đốc tăng cường công tác dự báo, cảnh báo bão số 3, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Vụ Quản lý Mạng lưới Khí tượng Thủy văn phối hợp với Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đảm bảo hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia hoạt động ổn định trong tình huống khi có thiên tai xảy ra.
Công tác thông tin dữ liệu đảm bảo hệ thống đường truyền, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp có sự cố.
Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tập trung cao độ để theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão như: gió mạnh, sóng lớn, nước dâng, mưa lớn, dông lốc trước bão, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá… sau bão; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động, không để bị động, bất ngờ nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng, chống, giảm thiểu và khắc phục hậu quả của thiên tai đến các cấp và nhân dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao các cơ quan của Bộ đã rất chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về bão đồng thời đã đưa ra những dự báo, cảnh báo từ sớm và đến thời điểm này những dự báo đưa ra khá chính xác so với những diễn biến phức tạp của bão.
Theo Bộ trưởng, bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng của bão lớn, cường độ cao, nếu không chủ động ứng phó sẽ gây ra những thiệt hại lớn. Do đó công tác dự báo, cảnh báo bão là rất quan trọng.
Đặc biệt, bão hình thành vào thời điểm cuối mùa lũ, có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất sẽ đặt ra thách thức cho các công tác dự báo, cảnh báo từ các cơ quan của Bộ để tham mưu cho trung ương đưa ra những quyết định kịp thời; đồng thời cũng có các chỉ đạo cho công tác điều hành liên hồ chứa vừa điều tiết lũ vừa đảm bảo tích nước cho mùa khô để đảm bảo đa mục tiêu…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ chú trọng ưu tiên công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp các thông tin nhanh, kịp thời và chính xác về bão số 3.
Các đơn vị tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn, phát huy công tác chuyên môn, tham khảo các nguồn thông tin của quốc tế, kết hợp các dữ liệu lịch sử để có những thông tin cảnh báo sớm, kịp thời về trước, trong và sau bão số 3, cũng như các cảnh báo về dông lốc, mưa lũ, sạt lở đất…
Các cơ quan chuyên môn đưa ra các khuyến nghị, thông tin để Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có những chỉ đạo kịp thời về các công tác liên quan đến liên hồ chứa, xả lũ, ứng phó với sạt lở…; đồng thời, trao đổi về phương án xả lũ hay tích nước phù hợp với tình hình thực tế.
Với đặc điểm bão số 3 có tốc độ di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng của bão lớn, có cường độ cao, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cần ban hành kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó với bão số 3; trong đó có những nhận định từ các cơ quan chuyên môn của Bộ như khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, địa chất, biến đổi khí hậu…, từ đó đưa ra các kịch bản ứng phó khác nhau, có những đầu mối kỹ thuật của từng lĩnh vực chuyên môn để các địa phương theo dõi và chủ động ứng phó với bão.
Nêu cao tinh thần không chủ quan, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mong muốn các cán bộ ngành Khí tượng Thủy văn nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa ra những dự báo, cảnh báo kịp thời để công tác ứng phó với bão số 3 được tốt nhất./.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Bão số 3 rất mạnh, cần "hành động không hối tiếc"
Họp triển khai ứng phó với bão số 3 vào chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định đây là cơn bão rất mạnh, do vậy cần ứng phó với phương châm "Chuẩn bị không hối tiếc," "Hành động không hối tiếc."