Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản cập nhật thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - đã được kỳ vọng là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong hoạt động thương mại của khu vực Bắc Mỹ.
Điều đáng nói là Hiệp định lại chính thức có hiệu lực giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Một phiên bản mới
Kể từ ngày 1/7 (theo giờ địa phương), USMCA - còn được gọi là NAFTA 2.0 - sẽ kết nối gần nửa tỷ người tiêu dùng trong một thị trường chung chiếm tới khoảng 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Theo số liệu thống kê, giá trị giao thương giữa ba nền kinh tế Mỹ, Canada và Mexico đã đạt mức 1.200 tỷ USD vào năm 2019.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “xé bỏ” NAFTA hồi năm 2016, ba nước Bắc Mỹ đã khởi động đàm phán lại hiệp định vào tháng 8/2017.
Hơn một năm sau đó, “bộ ba” này đã đạt được thỏa thuận mới vào tháng 9/2018. Quốc hội các nước đã lần lượt phê chuẩn văn kiện này với Mexico vào tháng 12/2019, Mỹ là tháng Một năm nay và Canada là tháng Ba vừa qua.
USMCA đã có những thay đổi căn bản về kỹ thuật đối với các quy định sản xuất ôtô và xe tải, vấn đề mở cửa thị trường ngành công nghiệp sữa Canada, phạm vi vấn đề tác quyền và quy tắc giải quyết tranh chấp…
Hiệp định thương mại mới yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa lên tới 75% đối với xe hạng nhẹ và 70% đối với xe hạng nặng, tăng tương ứng 12,5% và 10% so với quy định của NAFTA.
[NAFTA phiên bản 2.0 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7]
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ôtô của ba nước thành viên sẽ có thời hạn từ 3-4 năm để triển khai, nhưng các nhà sản xuất ôtô phải bắt đầu đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực. Hiệp định cũng quy định 40-45% phụ tùng ôtô phải là sản phẩm do các công nhân có thu nhập ít nhất 16 USD/giờ sản xuất ra.
Theo giới quan sát, vẫn cần một thời gian nữa mới có thể đánh giá liệu các thay đổi của USMCA có đạt được mục tiêu của Tổng thống Donald Trump là tạo thêm việc làm tại các nhà máy ở Mỹ hay không.
Một số công ty Nhật Bản đã chọn tăng lương cho nhân công ở Mexico lên tới ba lần thay vì chuyển hoạt động sản xuất sang các nhà máy ở Mỹ.
Kỳ vọng không của riêng ai
Không khó để nhận ràng rằng đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy các nỗ lực của Mỹ nhằm rút chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc. Điều này có thể "khuếch đại" lợi ích của USMCA, hứa hẹn biến Bắc Mỹ thành "bến cảng an toàn" để các doanh nghiệp ẩn náu trong "cơn bão" toàn cầu.
Mỹ cũng không phải là bên duy nhất đặt nhiều kỳ vọng vào USMCA. Mexico cũng có tâm lý tương tự khi USMCA là cơ hội để rút ngắn chuỗi giá trị ở Bắc Mỹ, nơi nước này có thể trở thành một địa chỉ đầu tư rất quan trọng. Nhưng trước tiên, các quốc gia sẽ phải vượt qua được năm 2020 đầy khó khăn.
Những dự báo lạc quan được đưa ra cho USMCA là trước khi COVID-19 nổ ra. Giờ đây, biên giới giữa các quốc gia đã bị đóng cửa một phần và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cả ba nền kinh tế Bắc Mỹ sẽ suy giảm trong năm nay.
Trong báo cáo mới công bố, IMF đã dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp 8%, Canada giảm 8,4% và Mexico giảm 10,5% trong năm nay.
IMF cho biết thỏa thuận mới là tích cực đối với Mexico, nhưng sẽ không bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư và dự kiến suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra trong hai năm tới.
Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh bất lợi, giới chức các nước vẫn tỏ ra tin tưởng vào tương lai dài hạn của USMCA.
Trong một sự kiện trực tuyến tổ chức vào ngày 30/6, đại diện của Mỹ cho biết: "Việc USMCA bắt đầu có hiệu lực là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự thương mại rộng lớn hơn. Mục tiêu của phía Mỹ là theo đuổi thương mại tự do, công bằng và đối ứng với tất cả các đối tác thương mại của chúng tôi."
Phía Mỹ nhấn mạnh rằng USMCA sẽ đảm bảo khu vực Bắc Mỹ vẫn là một trung tâm kinh tế mạnh mẽ của thế giới. Đại diện của Mỹ cũng tỏ ra tin tưởng Hiệp định này sẽ tạo ra những công việc với mức lương cao hơn cho người Mỹ, Canada và Mexico.
Cũng tại sự kiện trên, Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế của Mexico, bà Luz Maria de La Mora, bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận USMCA sẽ được “đền đáp” trong nhiều năm tới.
Bà cho biết mong muốn của mình là trong một năm nữa, hoạt động kinh tế ở Bắc Mỹ sẽ có thể trở lại đúng hướng và các nước có thể duy trì sự năng động này./.