Uớc tính hằng năm có khoảng 103.500 trẻ em sinh non tại Việt Nam

Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã khiến các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn nghiêm ngặt, dẫn đến việc trẻ sơ sinh bao gồm trẻ sinh non không may bị cách ly khỏi cha mẹ của mình.
Uớc tính hằng năm có khoảng 103.500 trẻ em sinh non tại Việt Nam ảnh 1Chăm sóc cho trẻ sơ sinh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi. Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới (cứ 10 trẻ ra đời thì có 1 trẻ sinh non). Tại Việt Nam, ước tính hằng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.

Thông tin trên được Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra nhân ngày 17/11 - Ngày Thế giới vì trẻ sinh non.

[Trẻ sơ sinh có thể miễn dịch nhờ sữa mẹ khi mẹ từng mắc COVID-19]

Nhân ngày này, tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để hỗ trợ và nhân rộng can thiệp nhằm duy trì sự sống còn cho trẻ sơ sinh trên cả nước, chú trọng vào các tỉnh thành khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, là những nơi có phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống và có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao.

Ông Maharajan Muthu - Trưởng Chương trình vì Sự sống còn và Phát triển của Trẻ em của UNICEF Việt Nam cho biết một số biện pháp can thiệp có hiệu quả quả cao với chi phí thấp để cứu sống trẻ sơ sinh bao gồm tiếp xúc da kề da ngay sau sinh hoặc cho trẻ bú sớm.

Việc tiếp xúc da kề da sớm sau khi sinh và liên tục có tác động tích cực và bảo vệ đối với trẻ, như điều hòa nhịp tim và hô hấp, ngăn ngừa nhiễm khuẩn huyết (nhiễm khuẩn nặng), hạ thân nhiệt, hạ đường huyết cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập viện lại.

Việc cho trẻ bú sớm và hoàn toàn bằng sữa mẹ có tác động tích cực đến sự phát triển ngắn hạn và dài hạn về sinh lý và hệ thần kinh của trẻ. Bên cạnh đó là việc đảm bảo trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu được đưa đến các cơ sở chăm sóc y tế có chuyên môn cao hơn một cách nhanh chóng và bình đẳng trong trường hợp cần thiết, bất kể trẻ được sinh ra ở đâu.

Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã khiến các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn nghiêm ngặt, dẫn đến việc trẻ sơ sinh bao gồm trẻ sinh non không may bị cách ly khỏi cha mẹ của mình. Điều này tác động tiêu cực đến trẻ sơ sinh và cả cha mẹ của trẻ.

Theo các chuyên gia, bên cạnh các thách thức về chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, việc trẻ sơ sinh bị cách ly khỏi cha mẹ có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng và lâu dài về sức khỏe và sự phát triển của trẻ đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cha mẹ.

Hưởng ứng ngày Thế giới vì Trẻ sinh non, đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế) khẳng định chăm sóc trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh là một trong những mục tiêu quan trọng không những của ngành y tế mà còn là của Nhà nước Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Với chủ đề năm 2021 là “Không chia cách. Hãy hành động ngay! Hãy để cha mẹ được chăm sóc trẻ sinh non ngay từ lúc chào đời,” ngày Thế giới vì Trẻ sinh non là một cơ hội hành động để cha mẹ được tiếp xúc và chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện trong mọi điều kiện, không kể thời gian và địa điểm. Ngay cả khi không có những rủi ro khác do đại dịch toàn cầu, trẻ sinh non là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, và như các nghiên cứu liên tục chỉ ra, trẻ cần có cha mẹ ở bên mình.

Đây là ngày hướng tới nâng cao nhận thức về những khó khăn của việc sinh non và nhấn mạnh về những rủi ro cũng như hậu quả mà trẻ sinh non và gia đình các em trên toàn thế giới phải đối mặt.

Các cơ sở y tế được khuyến khích đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ sinh ra quá sớm, quá nhỏ hoặc quá ốm yếu và gia đình của trẻ với các yêu cầu đảm bảo phòng chống dịch bệnh để bệnh viện tiếp tục hoạt động và các nhân viên y tế được an toàn trong bối cảnh đại dịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục