“Mỗi khi trở trời nghe con la đau nhức xương, sáng thức dậy chân tê buốt không đi được, càng lúc chân càng khuỵu và teo lại, lòng rối bời nhưng sợ con tủi thân, tôi chỉ biết nén nỗi đau vào lòng, cố không để con nhìn thấy những giọt nước mắt mình đang rơi...”
Đó là nỗi niềm của mẹ cô bé Lê Thị Hồng Yến đã theo chúng tôi về từ mảnh đất xa xôi nơi vùng biên tỉnh Bình Phước.
5 lần bó bột đến trường
Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, lô nhô sỏi đưa chúng tôi đến trường Tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đúng giữa lúc các em học sinh đang giờ ra chơi. Và rồi chúng tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi hình ảnh một cô bé đang đứng một mình trên lan can với đôi mắt thật buồn hướng về phía các bạn vui chơi. Ánh mắt ấy vẫn không rời sân trường khi chúng tôi đến gần.
Cô bé có vầng trán cao và cặp mắt to đen láy, với chiều cao vỏn vẹn 90cm và cân nặng chỉ 13kg, không thể tin em đã là một học sinh lớp 5. Bắt chuyện cùng em, chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết căn bệnh xương thủy tinh đã khiến em 5 lần bị gãy chân. Hai đầu gối em khuỵu lại, teo tóp với những bước đi khó khăn…
Mẹ em kể, lần đầu tiên Yến bị gãy chân là khi vừa tròn 4 tuổi, đang chơi ở nhà thì bị trượt chân té ngã. Lúc đó gia đình chỉ nghĩ em bị té bình thường. Năm em vào lớp 1, đang vui chơi cùng các bạn trong xóm thì lại té. Lần này em bị gãy một bên chân khác. Khi ấy, gia đình đã biết em bị bất thường về xương, cũng chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi.
Năm học lớp 2, bé Yến lại gánh chịu thêm 2 lần bị gãy chân, rồi lại bó bột. Lần nào cũng vậy, ở nhà ít hôm em lại đòi bố mẹ đưa đến trường. Bố mẹ phải mang theo chiếc ghế nhỏ để em gác chân ngồi ghi chép. Một lần ngã là một lần đau đớn, khó khăn thêm chồng chất với em và gia đình.
Năm cuối lớp 3 có lẽ là cú sốc lớn nhất với cả em và gia đình. Lần này, cả hai bên xương đùi đều bị gãy, bệnh viện huyện không thể xử lý được nên phải chuyển em xuống các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để bó bột. Không thể ngồi dậy được, em phải nằm nhà gần một tháng.
Cô giáo Phạm Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm Yến năm lớp 3 rơm rớm nước mắt kể: “Hồi đó cũng cận kề cuối năm học, vì sợ Yến không theo kịp bài tôi đã đến nhà vừa để động viên, vừa giảng lại bài cho em. Khi kiểm tra kết thúc năm học, sau khi cả lớp làm bài xong tôi xin phép trường mang đề thi đến nhà cho em làm bài thi. Vì không ngồi dậy được nên chúng tôi đành phải trải một chiếc chiếu ra giữa nhà để em nằm sấp xuống rồi làm bài. Vậy mà năm đó Yến vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ở em có một nghị lực lớn mà ngay cả với một người bình thường nhiều khi cũng khó vượt qua được, tôi luôn lấy em làm tấm gương nhắc nhở học sinh của mình…”
Yến là con gái đầu lòng của vợ chồng anh Lê Bá Vang (36 tuổi) và chị Trần Thị Thanh (34 tuổi) ở ấp 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Năm 1999, anh chị từ Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp, khi đó hai người đều là công nhân của một xí nghiệp, dần dần tích góp vay mượn mua được mảnh đất làm nhà và định cư luôn tại đây.
Năm 2000, bé gái Lê Thị HồngYến ra đời trong niềm vui lớn của anh chị nơi đất khách. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì anh chị phát hiện bé Yến có thể lực phát triển không bình thường, nhưng không nghĩ rằng đó lại là một chứng bệnh. “Vì hai vợ chồng mải lo kiếm sống không để ý, lúc cháu biết ăn biết nói rõ ràng, nó kêu đau mới biết. Nghe ai chỉ đi đâu thì gia đình mang bé đi chữa trị đến đó, nhưng…” chị Thanh nghẹn lời khi nói về căn bệnh hiểm nghèo của con gái.
Và ước mơ thật đẹp
Theo chị Trần Thị Thanh, lúc đầu bác sĩ chẩn đoán bé bị suy dinh dưỡng nhưng càng ngày thấy chân bé càng đau, gia đình đưa bé đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Anh chị đành ôm con về nhà với lời kết luận bé bị căn bệnh xương thủy tinh, lần nào đưa bé đi như vậy cũng mất từ 40-50 triệu đồng, lần gần đây nhất là hai năm trước.
“Các bác sĩ cho rằng căn bệnh này không thể khẳng định là có chữa khỏi được hay không. Có điều kiện là gia đình lại đi, nhưng cứ mỗi lần đi như vậy bé Yến lại yếu hơn do bệnh viện lấy nhiều máu để xét nghiệm”, chị Thanh đau đớn. Chị cho biết gia đình đang cố gắng dành dụm tiền để đưa cháu đi lần nữa, quyết không bỏ cuộc, mong sao có một phép nhiệm màu để chạy chữa cho bé.
“Các bạn không ai dám chơi với con vì sợ chân con lại bị gãy”, bé Yến thường hay tâm sự với mẹ như vậy, những lúc nghe con nói vậy chị Thanh chỉ biết ôm con vào lòng mà vỗ về, an ủi rằng: “Con cứ đứng nhìn các bạn chơi, khi nào khỏi bệnh con sẽ chạy nhảy như các bạn.”
Nhận xét về Yến, cô giáo Phạm Thị Thu Hà nhắc đi nhắc lại hai từ ngoan hiền, học giỏi, là học sinh khuyết tật nhưng năm nào Yến cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi và thi vở sạch, chữ đẹp của trường.
“Thương nhất là vào giờ học thể dục, các bạn ra sân hết chỉ còn em ngồi một mình trong lớp trông rất tội nghiệp. Những lúc như vậy nhìn em rất buồn, tôi bèn tìm một chiếc ghế cao kê chỗ bóng cây mát rồi bế em ra ngồi nhìn các bạn để em không thấy mặc cảm”, cô Hà chia sẻ. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Yến nhanh nhảu: “Em ước gì chân không còn đau nữa, em sẽ học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những ai bị bệnh như em…” Nói thế nhưng từ đáy mắt em bỗng rưng rưng.
Chia tay Yến mà mắt chúng tôi chợt cay cay. Với em lúc này, mọi sự hỗ trợ vật chất và tinh thần đều vô cùng quý báu, để em có thêm niềm tin và dũng khí chiến thắng bệnh tật, một ngày nào đó biến ước mơ thành sự thật./.
Đó là nỗi niềm của mẹ cô bé Lê Thị Hồng Yến đã theo chúng tôi về từ mảnh đất xa xôi nơi vùng biên tỉnh Bình Phước.
5 lần bó bột đến trường
Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, lô nhô sỏi đưa chúng tôi đến trường Tiểu học Thiện Hưng A, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đúng giữa lúc các em học sinh đang giờ ra chơi. Và rồi chúng tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi hình ảnh một cô bé đang đứng một mình trên lan can với đôi mắt thật buồn hướng về phía các bạn vui chơi. Ánh mắt ấy vẫn không rời sân trường khi chúng tôi đến gần.
Cô bé có vầng trán cao và cặp mắt to đen láy, với chiều cao vỏn vẹn 90cm và cân nặng chỉ 13kg, không thể tin em đã là một học sinh lớp 5. Bắt chuyện cùng em, chúng tôi thật sự bất ngờ khi biết căn bệnh xương thủy tinh đã khiến em 5 lần bị gãy chân. Hai đầu gối em khuỵu lại, teo tóp với những bước đi khó khăn…
Mẹ em kể, lần đầu tiên Yến bị gãy chân là khi vừa tròn 4 tuổi, đang chơi ở nhà thì bị trượt chân té ngã. Lúc đó gia đình chỉ nghĩ em bị té bình thường. Năm em vào lớp 1, đang vui chơi cùng các bạn trong xóm thì lại té. Lần này em bị gãy một bên chân khác. Khi ấy, gia đình đã biết em bị bất thường về xương, cũng chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi.
Năm học lớp 2, bé Yến lại gánh chịu thêm 2 lần bị gãy chân, rồi lại bó bột. Lần nào cũng vậy, ở nhà ít hôm em lại đòi bố mẹ đưa đến trường. Bố mẹ phải mang theo chiếc ghế nhỏ để em gác chân ngồi ghi chép. Một lần ngã là một lần đau đớn, khó khăn thêm chồng chất với em và gia đình.
Năm cuối lớp 3 có lẽ là cú sốc lớn nhất với cả em và gia đình. Lần này, cả hai bên xương đùi đều bị gãy, bệnh viện huyện không thể xử lý được nên phải chuyển em xuống các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh để bó bột. Không thể ngồi dậy được, em phải nằm nhà gần một tháng.
Cô giáo Phạm Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm Yến năm lớp 3 rơm rớm nước mắt kể: “Hồi đó cũng cận kề cuối năm học, vì sợ Yến không theo kịp bài tôi đã đến nhà vừa để động viên, vừa giảng lại bài cho em. Khi kiểm tra kết thúc năm học, sau khi cả lớp làm bài xong tôi xin phép trường mang đề thi đến nhà cho em làm bài thi. Vì không ngồi dậy được nên chúng tôi đành phải trải một chiếc chiếu ra giữa nhà để em nằm sấp xuống rồi làm bài. Vậy mà năm đó Yến vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ở em có một nghị lực lớn mà ngay cả với một người bình thường nhiều khi cũng khó vượt qua được, tôi luôn lấy em làm tấm gương nhắc nhở học sinh của mình…”
Yến là con gái đầu lòng của vợ chồng anh Lê Bá Vang (36 tuổi) và chị Trần Thị Thanh (34 tuổi) ở ấp 5, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Năm 1999, anh chị từ Thanh Hóa vào Bình Phước lập nghiệp, khi đó hai người đều là công nhân của một xí nghiệp, dần dần tích góp vay mượn mua được mảnh đất làm nhà và định cư luôn tại đây.
Năm 2000, bé gái Lê Thị HồngYến ra đời trong niềm vui lớn của anh chị nơi đất khách. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì anh chị phát hiện bé Yến có thể lực phát triển không bình thường, nhưng không nghĩ rằng đó lại là một chứng bệnh. “Vì hai vợ chồng mải lo kiếm sống không để ý, lúc cháu biết ăn biết nói rõ ràng, nó kêu đau mới biết. Nghe ai chỉ đi đâu thì gia đình mang bé đi chữa trị đến đó, nhưng…” chị Thanh nghẹn lời khi nói về căn bệnh hiểm nghèo của con gái.
Và ước mơ thật đẹp
Theo chị Trần Thị Thanh, lúc đầu bác sĩ chẩn đoán bé bị suy dinh dưỡng nhưng càng ngày thấy chân bé càng đau, gia đình đưa bé đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Anh chị đành ôm con về nhà với lời kết luận bé bị căn bệnh xương thủy tinh, lần nào đưa bé đi như vậy cũng mất từ 40-50 triệu đồng, lần gần đây nhất là hai năm trước.
“Các bác sĩ cho rằng căn bệnh này không thể khẳng định là có chữa khỏi được hay không. Có điều kiện là gia đình lại đi, nhưng cứ mỗi lần đi như vậy bé Yến lại yếu hơn do bệnh viện lấy nhiều máu để xét nghiệm”, chị Thanh đau đớn. Chị cho biết gia đình đang cố gắng dành dụm tiền để đưa cháu đi lần nữa, quyết không bỏ cuộc, mong sao có một phép nhiệm màu để chạy chữa cho bé.
“Các bạn không ai dám chơi với con vì sợ chân con lại bị gãy”, bé Yến thường hay tâm sự với mẹ như vậy, những lúc nghe con nói vậy chị Thanh chỉ biết ôm con vào lòng mà vỗ về, an ủi rằng: “Con cứ đứng nhìn các bạn chơi, khi nào khỏi bệnh con sẽ chạy nhảy như các bạn.”
Nhận xét về Yến, cô giáo Phạm Thị Thu Hà nhắc đi nhắc lại hai từ ngoan hiền, học giỏi, là học sinh khuyết tật nhưng năm nào Yến cũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi và thi vở sạch, chữ đẹp của trường.
“Thương nhất là vào giờ học thể dục, các bạn ra sân hết chỉ còn em ngồi một mình trong lớp trông rất tội nghiệp. Những lúc như vậy nhìn em rất buồn, tôi bèn tìm một chiếc ghế cao kê chỗ bóng cây mát rồi bế em ra ngồi nhìn các bạn để em không thấy mặc cảm”, cô Hà chia sẻ. Khi được hỏi về ước mơ của mình, Yến nhanh nhảu: “Em ước gì chân không còn đau nữa, em sẽ học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những ai bị bệnh như em…” Nói thế nhưng từ đáy mắt em bỗng rưng rưng.
Chia tay Yến mà mắt chúng tôi chợt cay cay. Với em lúc này, mọi sự hỗ trợ vật chất và tinh thần đều vô cùng quý báu, để em có thêm niềm tin và dũng khí chiến thắng bệnh tật, một ngày nào đó biến ước mơ thành sự thật./.
Việt Âu (TTXVN/Vietnam+)