Tại báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu quý 2 năm 2023 (trong đó có đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam) được công bố ngày 28/3, Ngân hàng UOB đánh giá đồng tiền Việt Nam (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á.
Đồng VND giữ ổn định
Báo cáo của UOB chỉ ra khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo bình ổn giá, nhiều khả năng sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới. Việc Fed sẵn sàng kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ngay sau tháng 5/2023 và tỷ lệ lạm phát trong nước đang cho thấy một số dấu hiệu đảo chiều, UOB dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 100 điểm cơ bản trong quý 2 năm 2023 xuống còn 5%.
“Chúng tôi nghĩ đây có thể là động thái một lần kèm nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn có thể được thực hiện nếu áp lực lạm phát trong nước giảm bớt, mặc dù điều này rất không chắc chắn ở thời điểm hiện tại,” đại diện UOB cho biết.
[HSBC: Việt Nam vẫn có những cơ hội xuất hiện trong nghịch cảnh]
Cũng theo phân tích của UOB, VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á. Bất chấp những thay đổi lớn trong kỳ vọng tăng lãi suất của Fed, lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng rối loạn của hệ thống ngân hàng Mỹ, VND giao dịch trong biên độ hẹp 0,8% quanh mức 23.600 đồng/USD.
Ngoài ra, dù Ngân hàng Nhà nước đột ngột cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào tháng Ba, sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp cùng với lạm phát giảm có thể sẽ giữ ổn định cho VND trong thời gian tới.
UOB kỳ vọng USD/VND sẽ nối gót các cặp tỷ giá ngoại hối USD/châu Á khác tiến tới mốc cao hơn là 24.200 đồng trong quý 2/2023 trước khi giảm xuống 24.000 đồng trong quý 3; 23.800 đồng trong quý 4/2023 và 23.600 đồng trong quý 1/2024.
Tăng trưởng chậm lại
Cũng theo phân tích của UOB, sau khi ghi nhận mức tăng kỷ lục 13,67% trong quý 3/2022, tăng trưởng kinh tế (GDP) thực tế của Việt Nam trong quý 4/2022 trở lại mức bình thường là 5,92% so với cùng kỳ, khi nhu cầu bên ngoài đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 8,02% từ mức 2,58% ở năm 2021, đây là kết quả tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 1997.
Mặc dù dữ liệu cả năm cho thấy kết quả tăng trưởng mạnh rộng khắp các ngành, nhưng khi phân tích chi tiết dữ liệu, các dấu hiệu của sự suy giảm tăng trưởng khá rõ ràng và đáng quan ngại. Lĩnh vực sản xuất hầu như không mở rộng trong khi xuất khẩu ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp trước khi có chuyển biến tích cực vào tháng 2/2023.
Dữ liệu gần đây cũng cho thấy hầu hết các lĩnh vực bên ngoài đều chịu áp lực suy giảm. Xuất khẩu chuyển biến tích cực trong tháng Hai (tăng 11,3%) sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp. Tuy nhiên, xét về mặt giá trị, giá trị xuất khẩu bình quân từ tháng 1 đến tháng 2 là 2,6 tỷ USD, thấp hơn gần 20% so với mức trung bình là 30,8 tỷ USD vào năm 2022, điều này cho thấy tình trạng suy giảm trong xuất khẩu có thể kéo dài trong nhiều tháng tới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đang cho thấy dấu hiệu chậm vào đầu năm 2023, với dòng vốn FDI ghi nhận từ đầu năm đến tháng hai là 2,6 tỷ USD, giảm so với mức 2,7 tỷ USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một thông tin tích cực là lĩnh vực dịch vụ đang dần phục hồi. Khách du lịch nội địa tính đến hết tháng Hai đã đạt 1,8 triệu lượt khách so với đầu năm và so với mức 50.000 lượt khách trong cùng tháng năm ngoái khi các hạn chế về COVID-19 có hiệu lực.
“Tựu trung lại, chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, khá sát với mức dự báo tăng 6,5% từ Chính phủ Việt Nam. Điều này có tính đến dự báo tăng trưởng trong quý 1/2023 ở mức 6,45% so với cùng kỳ. Việc Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%, cho thấy lập trường chính sách vẫn không thay đổi mặc dù có cắt giảm các loại lãi suất khác,” lãnh đạo UOB nhận định./.