UOB: 76% người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về tài chính vào năm 2024

76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng Sáu năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).
UOB: 76% người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về tài chính vào năm 2024 ảnh 1Buổi công bố Nghiên cứu Tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2023 tổ chức chiều ngày 1/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/11, Ngân hàng UOB công bố báo cáo Nghiên cứu về phân tích Tâm lý và các xu hướng của người tiêu dùng tại Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Là năm thứ 4 báo cáo được triển khai, nhưng đây là lần đầu tiên UOB hợp tác với Công ty tư vấn quản trị toàn cầu Boston Consulting Group trong nghiên cứu này.

Lạc quan về tương lai dù vẫn còn lo ngại về tài chính

Khảo sát cho thấy bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn về tương lai so với những người tiêu dùng ở các nước khác trong khu vực. 76% số người được khảo sát ở Việt Nam kỳ vọng mình sẽ có tình hình tài chính tốt hơn vào tháng Sáu năm sau, tiếp theo là Indonesia (74%) và Thái Lan (68%).

Lạm phát gia tăng là mối lo ngại hàng đầu ở ASEAN, với 62% số người khảo sát đồng ý rằng đây là mối lo lắng hàng đầu của họ, trong khi 57% lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao. So với khu vực, tỷ lệ người được khảo sát ở Việt Nam bày tỏ quan ngại về hai lĩnh vực này cũng cao hơn, lần lượt là 66% và 62%.

[Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam chưa phục hồi như kỳ vọng]

Cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. Ba mối quan tâm tài chính hàng đầu ở Việt Nam là khả năng để dành tiền tiết kiệm (32%), khả năng duy trì lối sống hiện tại (32%) và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính và chăm sóc sức khỏe của cha mẹ (30%).

Do đó, người tiêu dùng thận trọng hơn với tài chính và việc đầu tư của họ. 65% số người được hỏi cho biết đã theo dõi việc chi tiêu và chặt chẽ hơn thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến và 60% đã tìm hiểu thêm về các sản phẩm có ưu đãi, điểm thưởng hoặc tiết kiệm.

Sở thích về tài chính cũng đang thay đổi khi người tiêu dùng phân bổ nhiều tiền hơn vào các công cụ tài chính có rủi ro thấp như tiền gửi cố định ngân hàng (32%) và các kế hoạch bảo hiểm (28%). 25% số người được hỏi ở Việt Nam đang phân bổ nhiều tiền hơn vào các sản phẩm bảo hiểm so với năm ngoái, cao hơn 4 điểm phần trăm so với người tiêu dùng trong khu vực, đặc biệt là đối với người tiêu dùng phân khúc giàu có (36%).

UOB: 76% người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về tài chính vào năm 2024 ảnh 2Dù lạc quan nhưng cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quan tâm nhiều hơn đến đầu tư bền vững

Cũng theo kết quả khảo sát, nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm muốn tìm hiểu thêm về đầu tư bền vững. 40% cho biết họ đã đưa các khoản đầu tư bền vững vào danh mục đầu tư của mình và 58% sẽ xem xét thực hiện đầu tư bền vững nếu nó phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ. Chín trong số mười người tiêu dùng nói rằng đầu tư bền vững giúp đạt được mục tiêu kép là đạt được lợi nhuận tài chính đồng thời có lợi cho môi trường.

Khi người tiêu dùng Việt Nam trở nên thuần thục hơn về Kỹ thuật Số, mức độ sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại đã tăng đột biến với 54% số người được hỏi ngày càng tăng mức độ sử dụng kênh này trong năm qua. Hơn một nửa số người được khảo sát thích sử dụng các kênh trực tuyến để chuyển tiền ra nước ngoài và kiểm tra trạng thái điểm thưởng.

UOB: 76% người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về tài chính vào năm 2024 ảnh 3Nhiều người tiêu dùng đang ưa chuộng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại và các phương thức thanh toán kỹ thuật số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với các giao dịch phức tạp hơn hoặc có giá trị cao, người tiêu dùng vẫn coi trọng kênh trực tiếp hoặc kết hợp các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp.

Trong lĩnh vực thanh toán, người tiêu dùng Việt Nam cho thấy họ là người am hiểu những công nghệ mới nhất. Ví điện tử, thanh toán qua thẻ trên ứng dụng Ví di động và nền tảng thanh toán Thương mại Điện tử là những phương thức thanh toán phổ biến nhất với lần lượt 67%, 58% và 55% số người được khảo sát sử dụng chúng trong năm qua.

Khảo sát cho thấy bốn trong năm người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng ví điện tử ít nhất một lần một tuần và có xu hướng giới thiệu cho người khác. Momo là ví điện tử được người tiêu dùng ưa chuộng nhất, tiếp theo là ZaloPay và VNPay.

Ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết: “Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam đã giúp cho người tiêu dùng cảm thấy lạc quan hơn về sức khỏe tài chính của họ so với người tiêu dùng trong khu vực. Trong khi người tiêu dùng vẫn quan ngại về lạm phát cao, điều đáng khích lệ là họ vẫn không ngừng đón nhận một kỷ nguyên mới của Số hóa.”

Lãnh đạo ngân hàng cho biết UOB tiếp tục đầu tư vào các giải pháp Ngân hàng Kỹ thuật Số tiên tiến và hợp tác với các nền tảng thanh toán hàng đầu để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Ngân hàng cam kết đảm bảo cho việc việc đáp ứng các nhu cầu tài chính của khách hàng một cách liền mạch và an toàn đồng thời luôn đi đầu trong kỷ nguyên Kỹ thuật Số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục