Đại dịch COVID-19 đang kéo lùi những thành quả đạt được trong việc giải quyết các thách thức đe dọa sự phát triển của trẻ em như nghèo đói, bệnh tật và đặc biệt là khả năng tiếp cận giáo dục.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo như vậy nhân 75 năm thành lập tổ chức (11/12/1946), đồng thời khẳng định COVID-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất đối với trẻ em trong suốt 75 năm qua, gây ra những hệ lụy dai dẳng.
Cảnh báo của UNICEF cũng trùng hợp với đánh giá trong báo cáo “Tình trạng khủng hoảng giáo dục: Con đường phục hồi” mà cơ quan này cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, theo đó thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay có nguy cơ mất 17.000 tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời, chiếm khoảng 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, do đại dịch COVID-19 khiến việc học trực tiếp bị gián đoạn.
Con số này cao hơn so với ước tính 10.000 tỷ USD vào năm ngoái. Riêng tại khu vực châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính việc đóng cửa trường học kéo dài hơn 1 năm có thể làm giảm thu nhập trong tương lai của học sinh khu vực lên tới 1,25 nghìn tỷ USD, tương đương 5,4% GDP năm 2020.
Giám đốc Toàn cầu về giáo dục của WB Jaime Saavedra đánh giá cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tê liệt hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Trong thời điểm đỉnh dịch, khoảng 1,6 tỷ học sinh trên toàn thế giới phải nghỉ học ở nhà.
Hiện nay, sau 21 tháng, hàng triệu trẻ em vẫn chưa thể đến trường học. Trong số đó, nhiều em có thể sẽ không bao giờ quay trở lại trường học.
Giới chuyên gia nhận định việc học sinh ở nhà quá lâu, không tới trường sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của các em.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về tác động âm thầm và kéo dài của “những bệnh không lây nhiễm” có thể để lại những hậu quả nặng nề đến tương lai của cả một thế hệ.
Một nghiên cứu của Mỹ cho biết trong đại dịch, thời gian trẻ từ 12-13 tuổi ngồi trước màn hình thiết bị điện tử đã tăng 4giờ/ngày, trong khi các nhà khoa học đều cảnh báo việc dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình có thể khiến trẻ em chậm phát triển.
Ngoài ra, việc ở nhà quá lâu và không tham gia hoạt động thể chất, lại thường xuyên dùng các loại đồ ăn nhanh khiến số trẻ béo phì gia tăng.
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đối với hơn 430.000 trẻ em từ 2-19 tuổi trước và trong đại dịch cho thấy tỷ lệ thay đổi chỉ số thể trọng ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11/2020; tỷ lệ béo phì ở trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã tăng 9% với mức tăng trung bình là gần 2,3 kg.
Số trẻ em và thanh thiếu niên ở My bị béo phì đã tăng từ 19,3% năm 2019 lên 22,4% vào tháng 8/2020.
Các chuyên gia Mỹ nhận định việc đóng cửa trường học có thể là nguyên nhân chính dẫn tới tăng tỷ lệ béo phì, vì trẻ bị hạn chế các hoạt động thể chất và việc ăn uống cũng thất thường hơn, đặc biệt khi nhu cầu đối với những đồ ăn vặt chế biến sẵn dành cho trẻ em tăng đáng kể trong thời gian đại dịch.
Tương tự, tại Anh, tỷ lệ béo phì ở trẻ từ 4-5 tuổi tăng từ 9,9% trong giai đoạn 2019-2020 lên 14,4% trong giai đoạn 2020-2021.
Trong khi đó, hơn 25,5% số trẻ ở nhóm tuổi 10-11 bị thừa cân, tăng từ 21% trong giai đoạn 2019-2020.
Tiến sỹ Max Davie, Đại học Hoàng gia về Y khoa và sức khỏe trẻ em (Anh), cho biết các biện pháp phong tỏa trong đại dịch khiến trẻ em phải nghỉ học ở nhà có thể là một yếu tố chính làm tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ.
Theo các chuyên gia, tăng cân nhanh, đặc biệt là ở những trẻ đã bị thừa cân hoặc béo phì có thể gây ra những thay đổi chuyển hóa kéo dài khiến trẻ có nguy cơ mắc các căn bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, cao huyết áp và trầm cảm.
Các nhà khoa học Israel cũng vừa công bố một nghiên cứu cho thấy số ca trẻ em được chẩn đoán mắc tiểu đường (DKA) type 1 tăng đáng báo động trong giai đoạn bùng phát làn sóng COVID-19 ở nước này.
Các nhà nghiên cứu đã ghi lại tần suất và mức độ mắc DKA trong giai đoạn từ ngày 15/3/2020 (khi Israel bắt đầu áp dụng phong tỏa chống dịch) đến ngày 30/6/2020 và so sánh với các giai đoạn tương tự trong các năm 2019, 2018 và 2017.
Kết quả cho thấy trong thời gian dịch, số ca trẻ mắc DKA tăng 58,2%, cao hơn nhiều so với các năm trước. Số ca DKA nặng là 19,9%, cũng tăng nhiều hơn năm 2018 và 2019.
Trẻ từ 6-11 tuổi mắc DKA cao hơn, cụ thể là 61,3%, trong khi các con số của năm 2019, 2018 và 2017 lần lượt là 34%, 40,6% và 45,1%. Số ca nặng trong năm 2020 là 29,3%, trong khi các năm trước lần lượt là 15,1%, 10,9% và 5,9%.
[COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất với bảo vệ trẻ em trong lịch sử UNICEF]
Các vấn đề về tâm lý ở trẻ em cũng được lưu ý. Bản thân đại dịch đã là một yếu tố tác động đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên, thậm chí trong nhiều năm tới.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore từng chia sẻ: “Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ.”
Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng những rối loạn tâm thần mà trẻ có thể gặp phải do ảnh hưởng của COVID-19 bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt,có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo số liệu mới nhất của UNICEF công bố tháng 10/2021, cứ 7 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu thì có hơn 1 em đã được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.
Việc trẻ không được đến trường trong một thời gian dài, các mối quan hệ với bạn bè và giao tiếp xã hội bị gián đoạn, được đánh giá có thể tiếp tục gây ra nhiều vấn đề tâm lý hơn.
Một số chuyên gia cũng cho rằng việc trẻ phải học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, thiếu linh hoạt, bị động, thiếu vận động, giao lưu, tương tác, không được chủ động quyết định cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực… cũng là những yếu tố tác động.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chuẩn bị bước sang năm thứ ba, UNICEF tiếp tục kêu gọi các nước ưu tiên mở lại các trường học và thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giữ an toàn cho các lớp học.
Bên cạnh khẩn trương tiêm chủng đại trà cho trẻ em, việc thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, giãn cách tại các trường học đang là giải pháp căn cơ nhất để thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Để có thể mở cửa trở lại trường học, hàng loạt quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi, trước hết cho nhóm từ 12 tuổi. Hơn 20 nước đã tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển.
Việt Nam đã tiến hành tiêm phòng COVID-19 cho nhóm từ 12-17 tuổi từ đầu tháng 11/2021 với vaccine của Pfizer và tới nay đã tiêm cho khoảng 5 triệu em. Việt Nam cũng đang tham khảo ý kiến về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
“Trường học đóng cửa khiến cả một thế hệ mất mát” - các chuyên gia UNICEF đã dùng hình ảnh này để mô tả hệ lụy dai dẳng của cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, cướp đi cơ hội học tập và phát triển bình thường của hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới.
Việc bảo đảm an toàn để sớm đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch được coi là giải pháp thích hợp để ngăn chặn những hệ lụy này đối với trẻ em./.